Chị Thanh Tâm thân mến!
Vợ chồng em có hai con trai nhưng sống không hoà thuận. Rồi anh bỏ đi theo người đàn bà khác, bỏ mặc mẹ con em hơn 10 năm qua, không hề quan tâm đến. Cuộc sống của 3 mẹ con em trải qua bao khó khăn vất vả, nay cũng tạm ổn định vì con em rất ngoan, học hành chăm chỉ, đứa lớn đã có việc làm, đứa bé cũng vừa tốt nghiệp đại học.
Chủ nhật vừa rồi, con trai em đi thăm bạn ở Quảng Ninh, tình cờ gặp bố nó mới biết là ông ấy bây giờ sống rất khổ cực, lại bị tai nạn què chân vì đi đào vàng bị sập hầm. Người đàn bà kia đã bỏ ông ta đi theo người khác.
Gặp con, ông chỉ khóc và bảo rằng: Trời trừng phạt bố vì tội phụ bạc vợ con, hãy tha thứ cho bố... Con trai em trở về, nó rất buồn, nó bảo: nhìn bộ dạng bố lúc này thật đáng thương, nhưng cứ nghĩ ngày xưa khi chúng con còn bé, bố bỏ mặc mẹ con mình, con giận bố lắm... Nhưng con lại nghĩ bố già rồi, phải sống cô đơn trong cảnh tàn tật như thế, lòng con thấy không yên, con muốn xin mẹ tha thứ cho bố và cho phép con đón bố về chăm sóc ..
Chị Thanh Tâm ạ, nhiều năm qua bạn bè cứ khuyên em nên làm đơn xin ly hôn để giải phóng cho mình, em không nuối tiếc gì con người tệ bạc ấy nhưng em không muốn các con em là những đứa trẻ không có bố. Giờ nghe lời con trẻ, lòng em đau đớn, em không thể hình dung được dưới mái nhà này lại có sự hiện diện của anh ta, trong lòng em chỉ còn oán hận. Em không muốn có cuộc hội ngộ bất đắc dĩ như vậy. Nhưng con em nó nhân hậu quá, em không nỡ nói thẳng lời từ chối, em sợ làm tổn thương lòng hiếu thảo của con. Vậy em phải làm thế nào bây giờ hở chị? Có cách gì giải quyết tốt hơn để các con em vẫn tròn trách nhiệm với bố nó mà em thì không bị miễn cưỡng chấp nhận điều lòng mình không muốn. Em tha thiết mong chị giúp đỡ em.
Hồng Vân - Bắc Ninh
Người con trai xin mẹ tha thứ cho bố và cho phép cậu đón bố về chăm sóc (ảnh minh họa)
Chị rất hiểu tâm trạng khó có thể tha thứ cho kẻ bạc tình của em. Và tâm trạng của một bà mẹ muốn khích lệ tấm lòng nhân hậu của các con. Em có thể gợi ý cho các con nhiều cách để chăm sóc, giúp đỡ bố, không nhất thiết phải đón ông ấy về ở cùng nhà. Bây giờ các con đã lớn, đã có thể sống tự lập, đi làm có tiền thì dành dụm một chút để giúp đỡ bố, thỉnh thoảng qua lại thăm hỏi hoặc thường xuyên gọi điện để biết tình hình bố. Nếu sự qua lại thăm nom, hỏi han có thể kéo gần tình cảm giữa em và ông ấy thì em có thể thay đổi suy nghĩ.
Em cũng có thể chia sẻ với các con suy nghĩ và tâm trạng của mình, chị tin rằng các con em đủ thông minh để hiểu vấn đề và dành thời gian cho mẹ tự quyết định cuộc sống của mình một cách thoải mái nhất. Chúc em may mắn.