Tìm về xã Tri Lễ một ngày cuối năm, khi bà con nơi đây vừa thu hoạch xong vụ mùa, khắp bản làng thoang thoảng trong màn sương sớm là hương xôi nếp Khau cày nọi. Mùi thơm nếp mới quyện vào gió lan tỏa giữa không gian núi rừng. Đây là giống nếp bản địa và chỉ được trồng ở vùng cao ở huyện Quế Phong mới cho sản phẩm dẻo thơm.
Bà Vi Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ cho biết: Tri Lễ là xã biên giới có đường biên giới dài 18,530 km, có 16 thôn bản với diện tích tự nhiên 20.290,18 ha; dân số 2.161 hộ với 11.398 nhân khẩu. Nhân dân trong địa bàn có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh, trong đó có 5 bản là người dân tộc Mông sống sát biên giới.
Là xã đông dân, nhiều thành phần dân tộc, dân cư rải rác và đường sá đi lại giữa các bản với nhau gặp nhiều khó khăn, nhất là các bản vùng biên giới. Nhiều bản và một số tổ thuộc các bản chưa có điện lưới nên đời sống kinh tế ở địa phương còn nhiều khó khăn.
Theo bà Sinh, mấy chục năm trước huyện Quế Phong nói chung và xã Tri Lễ từng là "vựa" thuốc phiện. Cây "chết người" này từng ăn sâu, bám rễ trên mảnh đất nghèo này kéo theo nhiều người nghiện hút, xóm bản tiêu điều. Phải mất rất nhiều thời gian, chính quyền mới xóa bỏ hết. Cây thuốc phiện phát triển rất tốt ở vùng đất này, đặc biệt ở những thung lũng nhỏ trên những bản cao của người Mông.
"Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cấm, chúng tôi đã quyết liệt xóa bỏ nhưng cũng phải đến năm 2012, xã Tri Lễ mới chấm dứt hẳn trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, để người dân không tái trồng cây thuốc phiện và giảm tỷ lệ nghiện hút cũng như buôn bán chất cấm này, chúng tôi thường xuyên phối hợp với bội đội biên phòng, công an và các đoàn thể… tuyên truyền đến từng thôn bản", bà Sinh chia sẻ.
Cũng theo bà Sinh, nhận thức của người dân trên xã biên giới này đã thay đổi rất nhiều. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện không còn, "Con nghiện" ma túy cũng giảm. Nhờ sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học, cây giống, con giống nên nhưng địa danh từng một thời "nổi tiếng" về trồng cây thuốc phiện như Huổi Mới, Huối Xái giờ là bạt ngàn đào và lúa.
Từ thủ phủ thuốc phiện và đói nghèo, nay Tri Lễ đã thay da đổi thịt. Chợ trung tâm xã rất sầm uất với đủ loại hàng hóa
"Trước đây người dân canh tác lúa nương "nay đây mai đó" và chăn thả rông gia súc trong rừng nhưng giờ canh tác ổn định và chăn nuôi nhốt gia súc. Nhiều gia đình đã có đàn gà, đàn lợn mang lại nguồn thu tốt và ổn định. Dù nhiều bản người Mông hiện vẫn còn rất khó khăn khi điện và sóng điện thoại chưa phủ tới nhưng đời sống cũng đã thay đổi rất nhiều, người dân chí thú làm ăn.
Xã Tri Lễ có 2 sản phẩm nổi tiếng không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước là gạo Japonica và nếp Khau cày nọi. Những sản phẩm này đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của xã vì giá rất cao, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Ngoài ra nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả cũng rất thành công như hộ gia đình chị Hà Thị Kim với vườn bưởi nổi tiếng ở Tri Lễ", bà Sinh tự hào.
Đặc điểm nổi bật của nếp Khau cày nọi là hạt tròn, to, mùi thơm thoang thoảng, khi nấu chín dẻo, vị ngọt đậm. Với đặc trưng thơm, dẻo, người dân bản địa thường dùng loại nếp này để chế biến các loại bánh chưng và những thứ bánh phục vụ lễ tết.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân và đánh giá đúng giá trị kinh tế, giá trị sử dụng, tiềm năng của giống lúa nếp khau cày nọi, huyện Quế Phong đã triển khai mô hình bảo tồn giống lúa nếp bản địa tại xã Tri Lễ nhằm bảo tồn nguồn gen đặc sản quý hiếm.
Vụ mùa 2023 này, Tri Lễ có 317 ha thì trên 90% là trồng nếp Khau cày nọi, tập trung ở các bản vùng thấp. Người dân Tri Lễ tăng diện tích trồng nếp này bởi giá bán cao hơn rất nhiều các loại lúa gạo khác. Sau vụ mùa, khi bà con vừa gặt xong, thương lái đã tìm đến để "săn" thứ đặc sản quý hiếm này.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ cho biết, trong những năm qua, cán bộ Hội luôn luôn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Ngoài hỗ trợ về KHKT, con, cây giống, Hội cũng đã phối hợp tổ chức gian hàng trưng bày các sản phẩm như dệt thổ cẩm, các hàng hóa sản phẩm nông nghiệp do hội viên hội phụ nữ làm ra như họ mọc, cơm lam, rau củ các loại, thu hút nhiều du khách và bà con nhân dân đến tham quan và mua sắm.
Một hội viên được hỗ trợ con giống, giúp phát triển kinh tế
Hội cũng đã tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục về giá trị gia đình để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên thông qua việc tổ chức các hoạt động mừng những ngày lễ lớn của đất nước.
Trong năm 2023, Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời phát động phong trào thi đua với tên gọi "Xây dựng người phụ nữ Tri Lễ thời đại mới đậm đà bản sắc dân tộc, có kiến thức, đạo đức, sức khỏe, ý thức vươn lên trong cuộc sống, chung sức xây dựng quê hương Tri Lễ đổi mới. Các dân tộc anh em cùng nhau đoàn kết xây dựng xã Tri Lễ vươn lên thoạt nghèo để trở thành xã khá của huyện Quế phong".
Cùng nhau đoàn kết các dân tộc tham gia xây dựng các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; phong trào phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới.
Hội tổ chức triển khai và hướng dẫn nội dung thực hiện phong trào thi đua cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lồng ghép thực hiện nội dung phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Tri Lễ thời đại mới gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động đang thực hiện tại địa phương.
Giúp gia đình hội viên làm nhà
Bên cạnh đó, Hội cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương người tốt việc tốt, trên các lĩnh trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội, facebook, zalo của Hội để hội viên học tập làm theo. Trong năm đã có 11 chi hội thực hiện rất tốt, nhiều cá nhân xuất sắc được biểu dương và vinh danh.
"Kinh tế phát triển, kéo theo nhiều ‘điểm sáng’ ở xã vùng cao Tri Lễ. Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ nói rằng, đổi thay đáng mừng nhất ở địa phương là tình trạng tảo hôn đã giảm rõ rệt trong khoảng 5 năm trở lại đây. Theo thống kê, từ năm 2020-2022, trên địa bàn xã chỉ có 6 cặp tảo hôn.
Ngoài ra, tình trạng bỏ học đã giảm hẳn. Trước đây, sau mỗi lần nghỉ Tết, số học sinh tại các trường lại "vơi" đi đáng kể nhưng những năm gần đây đã không còn tình trạng đó. Nhiều bản người Mông đường sá đi lại vẫn khó khăn, đời sống vật chất còn thiếu thốn nhưng nhận thức đã thay đổi khi xác định chỉ có cái chữ mới xóa tan tăm tối của bản làng và thay đổi cuộc sống của mỗi người nên "có khó khăn, con em trên các bản cũng học hết cấp 2, cấp 3", bà Sinh chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn