Nhiều người thường thắc mắc rằng khi có một công việc với thu nhập không đến nỗi nào, họ không tiêu nhiều tiền nhưng vẫn chẳng dư dả để tiết kiệm. Có thể, chính việc vô tình duy trì 5 thói quen sau đây đã khiến họ rơi vào "bế tắc".
Chi tiêu không có kế hoạch
Nếu bạn không có một bản ngân sách chi tiêu hàng tháng, tiền của bạn sẽ biến mất và bạn chẳng biết bạn tiêu nó vào việc gì, khi nào. Có quá nhiều người tiêu hết số tiền họ kiếm được và sử dụng thẻ tín dụng để bù đắp khoản tiền chênh lệch. Nhưng khi bạn có kế hoạch chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được và dành ra một khoản tiết kiệm cho những lúc ốm đau là bạn đã dẫn đầu cuộc chơi.
Thanh toán cho sự thuận tiện
Các phương thức mua sắm hiện nay đều rất thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng. Chính điều đó cũng góp phần khiến cho nhiều người mua sắm một cách bốc đồng. Khi bạn luôn sẵn sàng chi tiêu như thế này, bạn đang để tiền "trôi tuột" khỏi tay mình. Vì vậy, trước khi quyết định mua, hãy dừng lại và dành thời gian để xem xét xem bạn có thực sự cần hay không.
Không theo dõi chi tiêu
Bạn nên ghi chép số tiền đã tiêu hoặc các khoản thanh toán. Nếu bạn quên làm điều này, bạn dễ bị "vung tay quá trán". Bạn có thể theo dõi chi tiêu bằng một cuốn sổ hay các ứng dụng công nghệ.
Mua sắm bốc đồng
Nhiều người có xu hướng mua những mặt hàng như thực phẩm, quần áo, đồ da dụng, đồ điện tử… nhưng rất nhiều trong số những món đồ này lại bị "vứt xó" ngay khi được đem về nhà. Vậy nên, trước khi mua những thứ ngẫu nhiên không có trong danh sách mua sắm của mình, hãy tự hỏi xem bạn có thực sự cần dùng đến nó không.
Tiêu tiền để tâm trạng tốt hơn
Nếu bạn có xu hướng mua sắm để xoa dịu nỗi buồn, sự căng thẳng của mình, đây được gọi là chi tiêu theo cảm xúc. Mặc dù mua sắm có thể giúp bạn giảm căng thẳng và khơi dậy niềm vui, nhưng sự hạnh phúc đó sẽ không kéo dài. Nếu bạn muốn cảm thấy bình yên, hãy tập trung vào mục tiêu của mình và không để cảm xúc cản trở.
Việc đưa ra một vài quyết định đúng đắn sẽ giúp bạn đạt được thành công lâu dài. Bạn đã biết thói quen chi tiêu nào không nên duy trì, sau đây là những gì cần thực hiện thay thế.
Lập ngân sách
Hãy đặt tên cho mỗi khoản tiền bạn cần chi vào đầu tháng và thanh toán cho chính bạn trước. Nếu không có khoản tiết kiệm để chi trả cho trường hợp khẩn cấp, tài chính của bạn sẽ bị "đe dọa" và bạn buộc phải sử dụng thẻ tín dụng.
Lên kế hoạch ăn uống
Bạn nên dành thời gian để kế hoạch hóa bữa ăn hợp lý nhằm phù hợp với tài chính của bản thân. Hãy lên kế hoạch cho các bữa ăn của bạn vào đầu tuần. Đồng thời, hạn chế ăn uống bên ngoài thường xuyên vì điều này có thể tiêu hao ngân sách của bạn.
Suy nghĩ kỹ khi quyết định mua
Cần phải có sự khôn ngoan khi đưa ra quyết định mua sắm bất kỳ thứ gì. Trước khi mua sắm, bạn có thể tự hỏi chính mình một câu là: "Liệu mua cái này về, tôi có dùng đến nó không?". Hãy tập phá vỡ thói quen chi tiêu không lành mạnh, điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tiền của mình tốt hơn bao giờ hết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn