Cha mẹ nào cũng hy vọng con mình lanh lợi, thông minh, ngoan ngoãn. Thế nhưng trên thực tế, có nhiều kiểu thông minh khác nhau. Có những đứa trẻ thực sự giỏi giang, đáng để khen ngợi. Nhưng ngược lại có những đứa trẻ "thông minh giả", nếu không quan sát cẩn thận sẽ dễ nhầm lẫn.
Dưới đây là những đứa trẻ "thông minh giả", cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Những đứa trẻ này luôn tỏ vẻ ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ. Trẻ thường tỏ ra chăm chỉ học tập và nói những câu khiến cha mẹ "mát lòng, mát dạ" như: "Con đã hoàn thành hết bài tập, con còn được cô giáo khen vì làm tốt", "Bài kiểm tra này không khó, chắc chắc con sẽ được điểm cao", "Tí nữa con sẽ dọn dẹp phòng ngủ sạch sẽ, mẹ hãy yên tâm!",…
Khi nghe những lời nói hay của con, không cha mẹ nào là không hạnh phúc, hãnh diện. Tuy nhiên, đừng mừng vội, hãy xem con bạn thực hiện công việc như thế nào và kết quả ra sao. Nếu con chỉ nói hay nhưng không làm tốt sẽ rất đáng lo ngại. Lâu dần, trẻ sẽ trở nên lười biếng, trì trệ, không có chí tiến thủ.
Nếu thấy con có biểu hiện "nói hay nhưng không thực hiện", cha mẹ nên nhắc nhở khéo léo để con điều chỉnh hành vi. Hãy cùng con xây dựng kế hoạch và đặt ra những mục tiêu nho nhỏ. Khi đạt được nó, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng và có động lực học tập, làm việc.
"Trẻ đặt mục tiêu cao và không chịu chấp nhận thất bại", thoáng nghe qua cha mẹ sẽ nghĩ đây là điều hoàn toàn tốt. Những đứa trẻ như vậy mới có cơ hội thành công cao, đường đời rộng mở. Nhưng đây là suy nghĩ sai lầm, câu chuyện dưới đây sẽ khiến các bậc cha mẹ có cách nhìn nhận khác.
Tiểu Vy, 15 tuổi đến từ Hàng Châu (Trung Quốc). Nhiều năm liền, em là học sinh giỏi, luôn đứng đầu lớp. Trong kỳ thi vào lớp 10, Tiểu Vy đã đỗ vào ngôi trường trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên, trong bài kiểm tra đầu khi mới vào trường, điểm số em xếp hạng thứ 5, chỉ cách bạn đứng đầu 2 điểm. Cuộc sống xung quanh như sụp đổ, Tiểu Vy chưa bao giờ cảm thấy tâm trạng tồi tệ như lúc này.
Kể từ đó, sự tự tin của em bị ảnh hưởng nặng nề. Tiểu Vy mất dần động lực học tập. Em trở nên chán nản, mặc cảm với bản thân. Thấy con như vậy, cha mẹ em rất bực bội, buông vài câu trách mắng. Điều này càng khiến Tiểu Vy sống thu mình, không còn muốn chia sẻ với mọi người. Sau đó, bác sĩ tâm lý chẩn đoán nếu không có phương pháp điều trị sớm, em có thể mắc chứng trầm cảm.
Thực tế ngày nay, có nhiều đứa trẻ rơi vào tình cảnh tương tự. Khi đặt mục tiêu quá cao nhưng không thực hiện được sẽ khiến trẻ cảm thấy thất vọng tràn trề. Trẻ không vượt qua được những cú sốc của sự thất bại sẽ khó thành công sau này.
Giáo sư Tâm lý học người Mỹ Simon Anne đã đưa ra một thuyết tâm lý: "Trẻ em giống như vỏ trứng. Khả năng phòng vệ tâm lý của trẻ rất yếu và mong manh như vỏ trứng. Nhiều đứa trẻ luôn quan tâm đến những lời người khác nói về mình, dẫn đến có tính đố kỵ, ganh đua và ép bản thân phải đứng thứ nhất. Và khi không đạt mong muốn, trẻ suy sụp, chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ, mất đi khả năng tự lập".
Vì thế, khi thấy con đưa ra những mục tiêu lớn, cha mẹ đừng vội vui mừng. Hãy cùng con đặt ra những mục tiêu vừa sức và nỗ lực thực hiện. Khi đạt được thành tựu nhỏ, trẻ sẽ có động lực chinh phục những mục tiêu lớn.
Nhiều cha mẹ tự hào khi thấy con học giỏi từ nhỏ, điểm số luôn đứng nhất lớp. Tuy nhiên, ngoài điểm số cao thì những đứa trẻ ấy lại không hiểu về thế giới bên ngoài. Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của trẻ cũng thấp. Sự phát triển sau này của trẻ rất đáng lo ngại nếu không được uốn nắn kịp thời.
Trong xã hội phức tạp, nếu trẻ không biết cách duy trì mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, không biết giao tiếp, ứng xử sẽ khó có vị thế vững chắc.
Các bậc cha mẹ đều mong con mình có trí tuệ thông minh. Đây là điều kiện bẩm sinh quan trọng nhưng phương pháp giáo dục còn quan trọng hơn. Trẻ có trở thành một người tử tế, có ích cho xã hội, thành công trong sự nghiệp hay không đều phụ thuộc vào cách nuôi dạy ngay từ khi còn nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn