Ngay từ thời cổ đại, người ta đã tranh cãi về cách thức hoạt động của không gian. Nhưng không ai trong chúng ta từng nghi ngờ về sự tồn tại của Mặt Trời.
Trên thực tế, theo các nhà khoa học, Mặt Trời chỉ là một ngôi sao bình thường. Ngôi sao này bao gồm 73% hydro, 25% heli và một lượng nhỏ các nguyên tố nặng. Tuy nhiên, trong khoảng 5 tỷ năm nữa, vòng đời của Mặt Trời sẽ kết thúc, lượng hydro bên trong cũng sẽ cạn kiệt. Mặt Trời sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn đốt cháy heli trong lõi. Trong khi đó, ở lớp vỏ ngoài cùng của Mặt Trời vẫn sẽ tiếp tục diễn ra phản ứng kết hợp hai nguyên tử hydro thành heli.
Đến khi trở thành một ngôi sao đỏ khổng lồ, lớp vỏ ngoài của Mặt Trời sẽ mở rộng tới tận quỹ đạo của sao Hỏa và nuốt trọn sao Thủy, sao Kim. Trong khi đó, sao Hỏa dù không bị Mặt Trời nuốt, nhưng cũng bị trượt ra khỏi vùng ảnh hưởng của khí quyển Mặt Trời. Còn Trái Đất, ngay cả khi hành tinh xanh của chúng ta không bị nuốt chửng thì nhiệt độ cũng trở nên quá cao, dẫn tới hủy diệt sự sống.
Sau khi heli cạn kiệt, Mặt Trời sẽ trở thành một sao lùn trắng có lõi nặng, nóng và được một đám tinh vân hành tinh bao quanh. Cuối cùng, sao lùn trắng này sẽ bị nguội, mờ dần cho tới khi trở thành sao lùn đen vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, ngay cả trên lý thuyết, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Vậy, nếu đổ toàn bộ nước trên Trái Đất lên Mặt Trời thì có thể dập tắt được ngôi sao này không?
Theo các nhà khoa học, câu trả lời là chúng ta không thể dập tắt Mặt Trời bằng cách này. Bởi Mặt Trời không phải là ngọn lửa cháy nhờ oxy như trên Trái Đất. Thay vào đó, trong không gian không có oxy, Mặt Trời tồn tại là nhờ phản ứng nhiệt hạch biến hydro thành heli.
Do đó, nếu chúng ta đổ nước vào Mặt Trời thì chính là đang tiếp thêm nhiên liệu cho ngôi sao này. Thay vì dập tắt, cách làm này chỉ khiến Mặt Trời lớn hơn, nóng và sáng hơn nhiều. Nước thực sự là nhiên liệu cho Mặt Trời. Vì vậy, đổ nước vào Mặt Trời giống như cố gắng dập lửa bằng xăng. Điều đáng quan ngại là khối lượng tăng thêm do nước tạo ra sẽ khiến cho Mặt Trời trở nên nặng hơn. Đây thực sự là một ý tưởng tồi.
Nếu tiếp tục thêm nước thì sớm muộn gì Mặt Trời cũng sẽ tự sụp đổ, dẫn tới thảm họa khôn lường cho các hành tinh khác và đặc biệt là sự sống trên Trái Đất.
Mặt khác, nếu sử dụng toàn bộ nước của Trái Đất để dập tắt Mặt Trời, hành tinh xanh của chúng ta sẽ ra sao? Rõ ràng nước cực kỳ quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, do dùng toàn bộ nước để đổ lên Mặt Trời nên sẽ khiến các loài cá và sinh vật biển khác rơi vào thảm họa diệt vong.
Đặc biệt, các sinh vật sống dưới biển sâu cũng không thể chịu được áp suất thay đổi đột ngột. Trái Đất lúc bấy giờ với mọi thứ xung quanh chỉ là đất liền. Do không có đại dương nên hành tinh xanh của chúng ta cũng sẽ không có mây hay mưa.
Các đại dương trên Trái Đất có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ một lượng khí CO2 khổng lồ và nhiệt lượng tỏa ra từ Mặt Trời. Đại dương cũng phân phối nhiệt trên khắp Trái Đất và làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Do đó, một khi các đại dương biến mất, nhiệt độ sẽ nhanh chóng tăng lên hơn 120 độ C. Mọi thứ xung quanh sẽ trở nên nóng bức khủng khiếp. Điều này khiến cháy rừng xảy ra ở khắp mọi nơi.
Không có nước đồng nghĩa với việc Trái Đất sẽ không có sự sống. Cháy rừng khắp nơi khiến ngôi nhà của các loài động vật cũng không còn. Mọi thứ trở nên khô héo và sẽ không còn nơi nào để sống trên Trái Đất. Lúc này, Trái Đất giống như một sa mạc khổng lồ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn