Chuyện ăn uống tưởng chừng như rất bình thường nhưng thực chất lại ẩn chứa rất nhiều quy tắc bất thành văn mà nhiều người chưa hiểu rõ. Đừng dễ dàng đi ăn tối với người khác và đừng dễ dàng nhận lời mời của bất kỳ ai. Có những người tìm đến bạn cùng lời mời ăn tối vì mục đích cụ thể. Với những kiểu người này, tốt hơn nên nhanh chóng nói lời từ chối.
1. Người bao năm không gặp nay bỗng nhiên mời bạn đi ăn
Một ngày nọ, vài người bạn học cũ không gặp đã 20 năm bỗng chủ động liên lạc và mời Hoa cùng vài người bạn nữa đi ăn. Vui mừng vì được gặp lại bạn cũ, Hoa cùng những người bạn sống cùng thành phố rất vui vẻ nhận lời.
Tuy nhiên, sau khi đến bữa tiệc tối, Hoa cùng bạn của mình phát hiện ra rằng những người bạn học cũ tìm đến mình là có mục đích. Họ là vì muốn vay tiền, muốn nhờ sự giúp đỡ nên mới tìm đến. Suy cho cùng, tất cả đều liên quan đến chữ lợi ích. Sau khi xong bữa ăn này, Hoa và những người bạn cùng thành phố với mình luôn cảm thấy tệ như thể mắc nợ một ân huệ. Lúc này, thực tế là Hoa đã rơi vào bẫy của những người bạn học cũ.
Khi ai đó bạn không gặp trong nhiều năm bỗng nhiên xuất hiện mời bạn đi ăn tối, đó hoàn toàn không phải vì tình cảm mà là vì lợi ích. Họ có thể cần vay tiền bạn, cần bạn giúp đỡ hoặc muốn chào mời bạn mua thứ này, đầu tư thứ kia.
2. Những người họ hàng cả năm không thấy mặt bỗng xuất hiện mời sau khi bạn thành công
Có câu: "Nghèo giữa thị thành không người hỏi. Giàu tại rừng sâu lắm kẻ tìm".
Khi bạn nghèo, không ai quan tâm bạn sống ở đâu, kể cả khi bạn sống cạnh nhà họ cũng coi bạn như người xa lạ. Ngược lại, nếu bạn giàu sang phú quý thì dù bạn đi sống ẩn dật, người khác vẫn có thể tìm đến bạn, từ người quen cho đến người không quen biết, thân cho đến không thân.
Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ ở thành phố lớn, cuối cùng Thành cũng trở thành một ông chủ sở hữu công ty riêng. Khi anh về quê, rất đông họ hàng tìm đến mời anh tới ăn uống. Trong số những người họ hàng này, một số từng không coi anh ra gì, một số từng chưa thấy mặt trước đó, không hiểu từ đâu ra. Những con người này tìm đến chỉ với một mục đích duy nhất, kiểm chứng sự giàu có của anh và tìm kiếm cho mình cơ hội để nhờ cậy khi cần.
Nhìn những người thân này, anh chỉ có thể nghĩ đến một câu "Không có tiền giống như chuột qua đường không ai quan tâm, khi có tiền thì giống như bánh ngọt được người người săn đón". Cuối cùng anh đã từ chối hết những lời mời này. Anh nghĩ mình vốn không phải là khách du lịch, càng không có chuyện gì để nói, vậy tại sao lại muốn ăn cùng những người đó?
Đừng nghĩ rằng nếu một người họ hàng mời bạn ăn tối thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải đồng ý và họ làm thế vì muốn thắt chặt tình cảm với bạn. Có thể họ mời bạn chỉ vì lợi ích cá nhân, khi bạn sa cơ chắc chắn sẽ không thấy bóng dáng họ.
3. Những người ở trong vòng kết nối khác bạn
Có một quy tắc bất thành văn đó là những người trong một vòng kết nối hoặc một nhóm khác biệt mời bạn đi ăn, nếu bạn đồng ý thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn là thành viên của vòng kết nối đó.
Lấy vòng tròn kết nối nơi công sở làm ví dụ. Bạn là một người trung lập, bạn không tham gia vào những cuộc cãi vã, tranh luận và càng không thích việc chia bè kết phái. Bạn muốn tập trung và hoàn thành tốt công việc của mình. Người khác thấy bạn ở một mình sẽ chủ động "thu phục" bạn. Họ hy vọng rằng bạn sẽ tham gia vòng kết nối và giúp vòng kết nối của họ ngày càng lớn mạnh hơn.
Nếu bạn không muốn tham gia vào cuộc chiến bè phái, đừng nhận lời mời đi ăn. Đó là cách khôn ngoan để tránh xa những phiền phức. Ngay cả khi bạn không có ý gì, việc bạn xuất hiện thân thiết cùng phe phái này có thể khiến phe phái khác hiểu rằng bạn là người của họ. Nhớ rằng nguyên tắc đầu tiên của cuộc sống là ít gây rắc rối, nghiêm khắc hơn, khôn ngoan và bảo vệ chính mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn