Tôi có một người bạn - là con gái và rất hay đi du lịch bụi. Nó kể một trong những việc khiến nó phiền nhất là mỗi lần nó kể việc mình vừa đi nhờ được xe ai, hay ở nhờ được nhà dân nào, người xung quanh đều tỏ vẻ khó tin, thậm chí có chút dè bỉu. Bởi lẽ, "con trai mới đi nhờ xe hay ở nhà, chứ con gái nhất định không được làm như thế".
Bản thân tôi ngày trước cũng vậy, mỗi lần tôi khoe với gia đình rằng tôi sắp ghé thăm một đất nước không có quá nhiều khách du lịch, mọi người cũng sẽ cảnh báo tôi một cách đầy lo lắng: "Con không biết thế giới bên ngoài nguy hiểm như thế nào sao? Tại sao con lại đi đến nơi đó? Nếu con gặp phải người xấu, bị cướp giật, bị lấy trộm đồ, thậm chí bị quấy rối, bị giết hại thì sao?".
Trong lòng tôi thầm nghĩ, nơi đó dù nguy hiểm đến đâu cũng có vô số người đã sinh sống và lớn lên ở nơi đó qua nhiều thế hệ, tôi có thể chọn đi du lịch ở đó dài ngày hoặc ngắn ngày, nhưng những người sống ở đó, họ có quyền lựa chọn không? Và quan trọng hơn là tôi không thích nghe những lời như thế, như thể tôi đi du lịch rồi bị trộm, bị cướp, bị thương là do tôi đáng bị vậy, ai bảo tôi đi đến đó.
Rõ ràng đây là tình trạng "đánh tráo khái niệm" thường xuyên xảy ra. Trong khi dù sự việc ra sao, con mắt bạn nhìn nhận như thế nào thì những kẻ xấu, kẻ trộm cắp mới là kẻ sai! Tại sao bạn lại cho rằng nếu tôi gặp nguy hiểm thì tất cả là lỗi của tôi?
Năm ngoái, tôi được mời tới thuyết trình về giáo dục giới tính cho học sinh tại một trường cấp 2 ở vùng cao. Trước khi bắt đầu bài giảng, thầy hiệu trưởng đã giới thiệu ngắn gọn với các em học sinh như thế này: "Sau đây chúng ta sẽ được nghe những chia sẻ về kinh nghiệm ra nước ngoài và cách tự bảo vệ bản thân. Ai cũng nên biết cách tự bảo vệ bản thân, nhất là các bạn nữ, điều này không chỉ vì các em mà còn vì cha mẹ của các em nữa. Các em thử nghĩ xem, nếu các em không biết tự bảo vệ mình mà khiến mình bị tổn thương thì ai sẽ là người buồn nhất. Đừng làm bố mẹ buồn, các em biết chưa?".
Nghe xong, trong lòng tôi không khỏi thấy lấn cấn. Ai sẽ là người buồn nhất khi bị làm hại, bị tổn thương? Đáp án chắc chắn phải là chính bản thân các nữ sinh ấy rồi.
Con gái trong suốt cuộc đời mình, dù là khi ra ngoài, khi đi học, đi chơi, khi đi tàu đi xe đều liên tục phải nghe những mẫu câu na ná nhau:
"Đừng bao giờ đi nhờ xe người lạ!"
"Đừng ở nhờ nhà người lạ!"
"Đừng bao giờ đi du lịch một mình!"
"Đừng mặc quá hở hang!"
"Đừng bao giờ uống say!"
"Đừng... nếu không bạn sẽ gặp nguy hiểm!"
Người ta cứ dọa con gái rằng: "Con gái phải biết tự bảo vệ mình!". Nhưng từ từ đã... Thế còn con trai thì sao? Liệu đã có ai từng nói với các nam sinh rằng: "Nếu một cô gái xin ở nhờ nhà bạn, đi nhờ xe bạn, say khướt hoặc ăn mặc nóng bỏng trước mặt bạn, bạn nên quan tâm đến cô ấy một chút, đừng làm tổn thương cô ấy" hay chưa?
Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, chẳng hạn như một nữ sinh nghi bị xâm hại tập thể, hay một cô gái bị quấy rối nơi công cộng, phản ứng đầu tiên của mọi người thường là: "Ái chà, xinh như thế này mà không biết tự bảo vệ mình!". Và rồi sau đó là hằng hà sa số những câu hỏi khác nối nhau: "Rồi đã phản kháng chưa?", "Bạn này không biết đoạn đường đấy nguy hiểm lắm à?", "Chắc lại vừa đi uống rượu về chứ gì?", "Ai bắt về muộn thế?"...
Cá nhân tôi không thích những phát ngôn kiểu này lắm, về cơ bản đây có phải là đổ lỗi cho nạn nhân không? Khi chúng ta cứ lặp đi lặp lại câu nói kiểu này, có vẻ như ý chúng ta muốn truyền đạt là: "Nếu hôm nay một nữ sinh đi nhờ xe người lạ, ở nhờ nhà người lạ, đi du lịch một mình, đi học, đi làm về khuya, ăn mặc đẹp và bị quấy rối, thậm chí xâm hại... thì là do họ đáng bị như vậy, ai bảo họ không biết bảo vệ bản thân?".
Suy nghĩ này thật sai lầm, cho dù lui một vạn bước, nó vẫn là lỗi của kẻ xấu. Ngừng đe dọa và yêu cầu các cô gái bảo vệ chính mình đi! Nữ sinh ngày nay, dù đi đâu, làm gì, mặc trang phục gì, cũng không nên thành cái cớ để bị tổn thương. Nếu chúng ta luôn đặt trách nhiệm lên vai con gái, và luôn bảo họ phải tự bảo vệ mình, phải kiềm chế hành vi, phải ăn mặc tiết chế..., ở một mức độ nào đó, chẳng phải đang ngầm ám chỉ con trai rằng: Nếu con gái ngày nay không biết tự bảo vệ mình cho tốt thì bạn có thể làm tổn thương cô ấy hay sao?
Tất nhiên, là một người có nhận thức đầy đủ, mỗi chúng ta cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh nguy hiểm.
Tôi sẽ khuyên các nữ sinh nên tìm hiểu kỹ nơi mình định ở nhờ và cố gắng ưu tiên tìm những gia đình có trẻ em đến ở;
Tôi sẽ khuyên họ không nên nói ngay cho đối phương biết điểm đến của mình khi quá giang mà nên trò chuyện với chủ xe trước, quan sát người và môi trường trên xe, sau khi cảm thấy thoải mái thì mới bước lên xe;
Tôi sẽ khuyên họ học cách bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, không chịu thua thiệt chỉ để lấy lòng người khác.
Tuy nhiên, tôi cũng rất rõ ràng rằng những chia sẻ kiểu này tối đa chỉ có thể bảo vệ chính họ chứ không thể bảo vệ toàn xã hội.
Tôi muốn các bạn trẻ biết rằng hôm nay, nếu có một nữ sinh bị xâm hại hoặc bị quấy rối, nguyên nhân chắc chắn không phải vì cách cư xử, cách ăn mặc hay cách trang điểm của cô ấy, không phải vì cô ấy không bảo vệ tốt bản thân mà bởi vì có những người trong xã hội này muốn làm tổn thương cô ấy.
Chỉ vậy thôi, không có lý do nào khác.
Mọi người cũng phải nhận thức rõ rằng, nếu trong xã hội ngày nay có một kẻ muốn làm tổn thương các nữ sinh, thì dù bạn có biết bảo vệ mình thì hắn vẫn sẽ tìm người khác để tấn công. Đối với tôi, vấn đề chưa bao giờ là yêu cầu các cô gái phải tự bảo vệ mình, mà là làm thế nào để tạo ra một thế giới- ở đó các cô gái không cần được bảo vệ. Con trai phải biết rằng dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào và mối quan hệ nào, một người không có tư cách và quyền làm tổn thương người khác.
Cuối cùng, bất kể nam hay nữ, tôi hy vọng mọi người có thể hiểu rằng nếu một ngày nào đó, bạn thực sự bị tổn thương, đó chắc chắn không phải là lỗi của bạn, không phải do bạn không tự bảo vệ mình, mà là do bạn đã gặp phải một kẻ xấu tệ hại, và đó là tất cả.
1. Khi đi bộ vào ban đêm, hãy đi những con đường sáng sủa và tốt nhất là nên có người quen đi cùng. Nhiều người tưởng tượng ra cảnh có thể thoát thân khỏi kẻ xấu song trên thực tế, tội phạm thường là một nhóm người, chứ không phải chỉ có một cá nhân. Hơn nữa, các nạn nhân còn dễ bị kéo lên xe để di chuyển tới nơi khác, việc trốn thoát gần như không thể xảy ra. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên đi cùng với một người bạn. Ngoài ra, đừng tiết kiệm, đi taxi cũng là một sự phương án tốt.
2. Để điện thoại di động trong tay, trong túi áo, trong túi quần là có thể lấy ngay, đừng để trong túi xách. Nếu không trong trường hợp bạn bị giữ lại, bạn sẽ không có cơ hội để gọi điện cầu cứu. Tốt nhất nên cài đặt các số gọi nhanh là người thân, bố mẹ, người yêu... cùng các tin nhắn nhanh. Và tốt hơn nữa là trước đó, bạn đã nói với đối phương phải làm gì khi nhận tín hiệu tương tự từ bạn.
3. Tốt nhất là đi bộ trên vỉa hè bên trái đường. Điều này nghe có vẻ hơi ngược nhưng nếu con đường ở giữa và bạn đi trên vỉa hè bên trái đường, bạn có thể nhìn thấy xe từ phía trước. Trong trường hợp khẩn cấp, hoặc có người đi phía sau, bạn chỉ cần vẫy tay ra hiệu cho xe phía trước dừng lại nhờ trợ giúp là có thể tránh được nguy hiểm.
4. Nếu về muộn, đừng đeo tai nghe nghe nhạc hay những thứ tương tự vì điều này rất dễ làm giảm sự cảnh giác của bạn và bạn sẽ không phát hiện ra rằng mình đang bị theo dõi. Kẻ xấu thường nhắm đến những đối tượng như vậy.
5. Hãy ngẩng cao đầu khi bước đi. Tội phạm sẽ ít có khả năng tấn công.
6. Nên chuẩn bị thêm một đôi giày bệt, giày thể thao khi đi bộ về nhà, thay vì đi nguyên đôi giày cao gót. Giày cao gót không chỉ phát ra âm thanh thu hút kẻ xấu, khiến chúng biết ngay nơi nào có con gái và thường là những cô gái ưa nhìn mà còn khiến bạn gặp khó khăn trong việc thoát thân.
7. Ngược lại, những thứ phát ra âm thanh như còi lại rất hữu ích. Khi gặp nguy hiểm, kêu cứu và thổi còi có thể thu hút sự chú ý của người khác. Nếu bạn đeo còi và đi ra ngoài, hãy nhớ đừng bỏ nó vào túi xách như điện thoại di động mà hãy đặt nó ở nơi dễ lấy. Nếu bạn nghĩ việc đeo còi là ngớ ngẩn thì hiện nay nhiều loại điện thoại di động đã có chức năng còi, được thiết lập trên một phím tắt và sử dụng ngay khi gặp nguy hiểm.
8. Khi đi xe buýt hoặc tàu điện vào đêm khuya, đừng ngủ, hãy giữ tỉnh táo và tìm một chiếc xe/toa tàu có nhiều người. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên hẹn một người đi cùng.
9. Khi xuống tàu xe, hãy nhìn xung quanh xem ai đã xuống cùng bạn. Nhất là khi không có ai bên cạnh, hãy chọn đi con đường sáng sủa và để ý đến người ấy nhiều hơn. Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn đang bị theo dõi, đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ ngay lập tức, đừng lo lắng về việc phán đoán sai, và đừng đợi khi sự cố xảy ra rồi mới yêu cầu giúp đỡ.
10. Khi nghi ngờ mình đang bị theo dõi, hãy giao tiếp bằng mắt trực tiếp với đối phương, đừng lảng tránh. Điều này sẽ khiến bên kia do dự nhiều hơn và thường có thể trì hoãn thời gian cho đến khi bạn tìm được người để nhờ giúp đỡ.
11. Tương tự, khi bạn nghi ngờ mình bị theo dõi, hãy sử dụng điện thoại để giả vờ gặp người thân thiết với mình. Nội dung cuộc nói chuyện không nên nói "5 phút nữa gặp lại", ngược lại, hãy để cho kẻ xấu cảm thấy đầu dây bên kia sẽ sớm xuất hiện, sẽ lập tức ra mặt. Vì e ngại, kẻ xấu có thể sẽ rời đi.
12. Trong thang máy, nếu bạn đi cùng với một người đàn ông lạ, hãy luôn đứng gần cửa, quay lại đối mặt với người đó và đứng trong tầm nhìn của camera. Việc kẻ xấu ép buộc nạn nhân về nhà mình (cùng khu) hoặc theo họ về nhà cũng rất phổ biến. Nếu cần, hãy nhấn nút khẩn cấp của thang máy.
13. Đừng đi những hành lang và cầu thang không sử dụng.
14. Trước khi về nhớ gọi điện báo cho gia đình biết mình sẽ về và khi nào sẽ về. Bằng cách này, nếu bạn không về nhà suôn sẻ và bạn không có điện thoại, gia đình bạn có thể phản hồi kịp thời và nhờ giúp đỡ.
15. Nếu bạn thực sự bị tấn công, bất cứ thứ gì trong tay bạn đều là vũ khí. Có thể ném các vật dụng nhỏ như ví, túi mỹ phẩm, ô cũng có thể dùng để chống trả. Chúng có thể không có nhiều sức mạnh tấn công nhưng vẫn có thể ngăn cản sự tiếp cận của kẻ xấu. Đừng quên gọi trợ giúp cùng một lúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn