Nếu 'hợp đồng tình cảm' có thật, hoa hậu Phương Nga không lừa đảo

06:00 | 25/09/2016;
Nếu “hợp đồng tình cảm” như bị cáo khai là có thật và được đưa vào làm chứng cứ của vụ án thì có khả năng đây chỉ là một vụ tranh chấp dân sự chứ bị cáo Trương Hồ Phương Nga không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
nga_tjwc.jpg
 Bị cáo Trương Hồ Phương Nga (trái) và đồng phạm bị truy tố trước tòa về tội lừa đảo
TS. Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, nhận định về những email trao đổi được nghi là “Hợp đồng tình ái” giữa ông Cao Toàn Mỹ gửi cho Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, quốc tịch Nga và Việt Nam, Hoa hậu người Việt tại Nga) đang lan truyền trên mạng trong những ngày qua.

Theo TS. Tuấn, việc quan trọng bây giờ  là cần xác định xem có thực sự có “Hợp đồng tình ái” giữa bị cáo Nga và ông Mỹ hay không. Đây là một chứng cứ quan trọng để xác định sự thật vụ án và có thể dẫn đến đây là vụ án hình sự hay chỉ là tranh chấp về dân sự.

Còn để xác định “Hợp đồng tình ái” có phải là chứng cứ liên quan đến vụ án hay không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Do đó, việc tòa án quyết định trả hồ sơ để các cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung chứng cứ là đúng đắn.

Cũng theo TS Phan Anh Tuấn, về mặt tố tụng hình sự, để “Hợp đồng tình ái” là chứng cứ của vụ án thì nó phải đảm bảo tính hợp pháp, tính liên quan, tính xác thực.

Cụ thể, về tính xác thực của “Hợp đồng tình ái”: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải kiểm tra xem thực tế là có email này hay không. Các ảnh chụp email đang lan truyền trên mạng những ngày qua chưa thể là cơ sở để khẳng định email này là có thực. Trên thực tế, người ta thể giả mạo email này. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng phải chứng minh là: email này có thật trên thực tế;  email này là của ông Mỹ (bởi vì có thể giả mạo email mang tên ông Mỹ; và ông Mỹ đã thực tế gửi email này cho bị cáo Nga (có thể xảy ra một người nào đó sử dụng email của ông Mỹ gửi).
1.JPG
Một email lan truyền trên mạng được nghi là "Hợp đồng tình ái" của ông Mỹ gửi cho Nga
Về tính liên quan của “Hợp đồng tình ái”: Ngay cả trong trường hợp có “Hợp đồng tình ái” nhưng nội dung của nó không liên quan gì đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chẳng hạn, liên quan một thỏa thuận dân sự khác chứ không liên quan gì đến vụ mua bán nhà – bị xử lý hình sự) thì nó cũng không thể là chứng cứ của vụ án. Hợp đồng này có phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án như về thời gian, không gian, thiết bị gửi. Nếu không, nó không thể là chứng cứ của vụ án.

Về tính hợp pháp của “Hợp đồng tình ái”: Khi chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo đúng trình tự, thủ tục hợp pháp theo qui định của luật tố tụng hình sự thì “Hợp đồng tình ái” này không thể là chứng cứ của vụ án.

Theo TS Phan Anh Tuấn, đến thời điểm hiện nay thì “Hợp đồng tình ái” vẫn chưa phải là chứng cứ của vụ án. Việc một số tờ báo đưa ra những nội dung được xem là  “Hợp đồng tình ái” giữa ông Cao Toàn Mỹ và bị cáo Nga khi chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra tình xác thực, chưa coi là chứng cứ để phê phán những người có liên quan đến vụ án này. “Theo tôi, việc làm này là việc làm thiếu thận trọng, thiếu chuyên nghiệp và có khả năng xảy ra xúc phạm danh dự của người khác”, TS. Phan Anh Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo TS Phan Anh Tuấn, vì các cơ quan chức năng chưa kết luận “Hợp đồng tình ái” có phải là chứng cứ của vụ án nên chưa thể đưa ra kết luận về vụ án này được mà chỉ đưa ra dưới dạng khả năng xảy ra:

Thứ nhất, nếu “Hợp đồng tình ái” này là chứng cứ của vụ án (có nghĩa là nó có thật, có liên quan, hợp pháp) thì có khả năng đây chỉ là một vụ tranh chấp dân sự chứ bị cáo Nga không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, nếu “Hợp đồng tình ái” này là giả mạo (không có thực) thì các bị cáo Nga và Dung không phạm thêm tội về việc khai báo gian dối nhưng lúc đó sẽ là tình tiết làm tăng tính nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo.

Thứ ba, nếu trong trường hợp “Hợp đồng tình ái” không liên quan đến vụ án hoặc chỉ là quan hệ dân sự khác không liên quan đến vụ việc của vụ án, thì các bị cáo vẫn bị xử lý hình sự bình thường về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, trên mạng xã hội đang lan truyền những bức ảnh chụp màn hình email trao đổi được cho là của ông Cao Toàn Mỹ gửi cho Phương Nga có từ địa chỉ my.caotoan@gmail.com, garrycao@me.com với tên là Garry Cao. Những email được viết trong khoảng thời gian từ tháng 7-8/2012 đến tháng 12/2013. Nội dung của các email này chủ yếu nói về chuyện trai gái, tình dục, đổi bán là chính.

Có email có nội dung không chỉ yêu cầu người phụ nữ tên Nga làm vợ 2 trong 7 năm với "tình phí" 10 tỉ đồng mà còn yêu cầu Nga phải "chăm chỉ" trong tình ái... Email này còn nói rõ việc chuyển tiền sẽ chia làm 2 lần. Lần 1 chuyển 5 tỉ khoảng 3-4 tháng sau tết và lần 2 chuyển nốt 5 tỷ đồng vào ngày 31/12/2013. Trong email này còn có yêu cầu "đối tác" không được cưỡng ép tài chính và hứa sẽ chủ động đến thăm người tên Nga.
 
Khi được hỏi thì ông Cao Toàn Mỹ cho biết ông không viết những email này.
 
3.jpg
 Ông Cao Toàn Mỹ khai trước tòa
Ông Trần Đức Hiệp, Trợ lý Hiệu trưởng, Thư ký Ban Giám hiệu Trường Đại Học Luật TP.HCM cho biết, có 2 cách để xác định được những email được xem là “Hợp đồng tình ái” đang lan truyền trên mạng có phải của ông Cao Toàn Mỹ gửi cho Trương Hồ Phương Nga hay không.

Cách thứ nhất là liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ email. Khi được yêu cầu, nhà cung cấp dịch vụ Gmail có thể xác minh sự tồn tại của email trong hệ thống họ quản lý, đồng thời cung cấp một số nội dung thư và các địa chỉ email thường xuyên liên hệ với email này để có thể làm cơ sở để đối chiếu kiểm tra trong quá trình điều tra.

Cách thứ hai là bị cáo Phương Nga có thể chứng minh nội dung email trên là có thật nếu dẫn ra được một phương pháp, cách thức trước đó mà ông Cao Toàn Mỹ xác nhận địa chỉ email trên là của ông. Điều này đã được ghi nhận tại Điểm b, Điều 16 Luật Giao dịch Điện tử 2005: “Người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo”.

Trên thực tế, để củng cố giá trị pháp lý của các chứng cứ, cơ quan điều tra có thể sử dụng cả hai phương pháp trên. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn