“Ở tuổi trưởng thành, trung bình một người có từ 10 - 40 nốt ruồi trên cơ thể. Nó có thể bằng phẳng hoặc hơi nhô lên bề mặt da, thường có hình tròn hoặc hình bầu dục và có các màu như hồng, nâu, nâu đen hoặc đen. Nốt ruồi có thể hoàn toàn vô hại, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da hoặc từ nốt ruồi bình thường tiến triển thành ung thư da”.
Đó là những gì Tiến sĩ Darrell S. Rigel, đang là Giáo sư lâm sàng về da liễu và Giám đốc Phòng khám Giám sát Khối u ác tính tại Trường Y Mount Sinai Icahn (Mỹ) nói trong buổi phỏng vấn với trang tin điện tử nổi tiếng nước Mỹ HuffPost.
Tiến sĩ Darrell S. Rigel giải thích thêm: “Khối u ác tính có thể phát triển từ nốt ruồi hiện có, nhưng phổ biến hơn là nó xuất hiện dưới dạng tổn thương mới trên da và nhìn giống như nốt ruồi. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ngực, lưng đối với nam và chân đối với nữ giới”.
Ảnh minh họa
Có không ít yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc khối u ác tính dạng nốt ruồi. Tiến sĩ Darrell S. Rigel kể ra như là: tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, sử dụng giường tắm nắng trong nhà, có nốt ruồi không điển hình và có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nó cũng phổ biến hơn ở những người có làn da trắng, dễ bị bỏng, tóc đỏ hoặc vàng và mắt sáng màu.
Ông nói: “Người da màu ít có khả năng mắc ung thư da hơn người da trắng nhưng lại có khả năng tử vong cao hơn nếu mắc bệnh này. Đối với những người có tông màu da sẫm màu hơn, khối u ác tính có xu hướng xuất hiện ở những vùng ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc bên dưới móng tay, móng chân. Ngay cả khi xuất hiện ở các vùng dễ thấy thì cũng khó phát hiện hơn do đặc điểm màu sắc của làn da”.
Tiến sĩ Darrell S. Rigel chia sẻ rằng, điều đáng lo lắng là đa số mọi người đều không chú trọng tới việc tự kiểm tra các nốt ruồi của mình thường xuyên, dẫn tới phát hiện muộn. Trong khi, ung thư da ác tính, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào đáy và tế bào vảy một khi đã lan rộng thì tỷ lệ sống sót chỉ là dưới 50%, ngay cả với các phương pháp điều trị hiện đại nhất thế giới hiện có. Càng đáng lo hơn khi loại ung thư này “có xu hướng lây lan rất sớm trong quá trình phát triển của nó”.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng tin tốt là khi được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể can thiệp hiệu quả mà không ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sau này.
Để phát hiện sớm ung thư da “ẩn nấp” sau những nốt ruồi, việc kiểm tra chúng thường xuyên là vô cùng quan trọng. Theo Tiến sĩ Darrell S. Rigel, ngoài nhờ tới chuyên gia y tế thì bạn cũng có thể tự kiểm tra tại nhà bằng “quy tắc ABCDE”.
Quy tắc này được các chuyên gia da liễu dùng để xác định những nốt ruồi nguy hiểm. Cái tên ABCDE được rút ra từ chữ cái đứng đầu trong mỗi tiêu chí kiểm tra. Cụ thể, A trong Asymmetry: sự đối xứng, B trong Borders: viền, C trong Color: màu sắc, D trong Diameter: đường kính và E trong Evolving: chỉ sự phát triển.
Ảnh minh họa
Cách kiểm tra chi tiết được ông hướng dẫn như sau:
- A: Không đối xứng. Tức là nếu bạn vẽ một đường dọc giữa nốt ruồi, một nửa sẽ không khớp với hình dạng hoặc kích thước của nửa còn lại.
- B: Đường viền không đều. Nó có thể có các cạnh bị khía, hình vỏ sò hoặc mờ. Theo giải thích của Tiến sĩ Darrell S. Rigel: “có nghĩa là ranh giới giữa nốt ruồi và da bình thường không rõ ràng”.
- B: Màu sắc lạ hoặc không đồng đều. “Hãy chú ý nếu màu sắc không đồng đều của nốt ruồi. Nốt ruồi bình thường sẽ có màu đỏ nhạt, hồng, nâu và đen nhưng nếu nó có màu lạ như đỏ rất tươi, trắng, xanh, đen đậm… hoặc pha trộn nhiều màu sắc, không đều màu giữa các vị trí, thay đổi màu sắc so với ban đầu thì nên cẩn trọng với ung thư”. Tiến sĩ Darrell S. Rigel nhắc nhở.
- D: Đường kính lớn bất thường. Sẽ là bất thường nếu đường kính của nốt ruồi lớn hơn 6mm.
- E: sự phát triển khác lạ. Các nốt ruồi vô hại gần như sẽ không thay đổi gì nếu không bị tác động từ bên ngoài vào hoặc chấn thương, nhưng nốt ruồi ung thư thì ngược lại. Hãy đi khám khi phát hiện kích thước, màu sắc, độ phồng và hình dạng của nốt ruồi đột nhiên thay đổi đáng kể, hay chảy máu, ngứa hoặc loét.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Darrell S. Rigel nhắc nhở thêm, bạn nên nhìn toàn bộ cơ thể của bạn - trước và sau - trong gương. Sau đó nhấc cánh tay của bạn lên và nhìn vào bên phải và bên trái của bạn. Hãy nhớ kiểm tra cả cẳng tay, nách, lòng bàn tay cũng như mặt sau của chân, giữa các ngón chân và lòng bàn chân. Đừng quên móng tay, cổ và da đầu của bạn nữa. Sẽ rất hữu ích nếu nhờ người khác hỗ trợ ở các vùng khó tự nhìn.
Ông nói: “Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, nên tự kiểm tra da hàng tháng. Chúng tôi cũng khuyên nhóm này nên đến gặp bác sĩ da liễu hàng năm".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn