Nêu tên người mua, bán dâm giữa phố: Trái luật và thiếu nhân văn

13:28 | 01/02/2018;
Sự việc Công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) đưa người có hành vi mua, bán dâm ra giữa phố cho người qua đường biết mặt, biết tên đang gặp sự phản ứng dữ dội từ dư luận. Dưới góc độ pháp luật, việc làm của công an có vi phạm?

Ngày 30/1/2018, trên mạng xã hội chia sẻ một video dài hơn 4 phút về việc công an ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đọc công khai danh tính những người mua dâm và bán dâm ngoài đường. Trong video, công an đọc to rõ họ tên, tuổi, quê quán, hành vi mua bán dâm rồi yêu cầu 4 người (1 nam, 3 nữ) bước lên cho mọi người nhìn. Nhiều người đi đường, trong đó có cả trẻ em đứng xem.

Công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) công khai danh tính người mua, bán dâm. Ảnh cắt từ clip; Nguồn; thanhnien.vn

 

Vụ việc đã được sự quan tâm của dư luận, đã có nhiều bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, cần phải xem xét thấu đáo vụ việc này để không tái diễn các trường hợp tương tự và để pháp luật luôn luôn được thượng tôn.

Ở khía cạnh của người thực thi công vụ, về chức năng, quyền hạn của công an thì hành vi đấu tranh với tội phạm, với tệ nạn xã hội là hết sức cần thiết để cho cuộc sống ngày càng ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Vì tính chất cần thiết nên việc công an triệt phá các tụ điểm mua, bán dâm một cách thường xuyên, liên tục là việc cần khuyến khích và nhận được sự đồng thuận của cả xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rất rõ là cán bộ, chiến sĩ công an phải thực hiện công việc theo đúng quy định pháp luật liên quan. Riêng đối với hành vi mua dâm, bán dâm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc hình sự.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dược, khám bệnh... mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Như vậy, công bố công khai như thế nào là phải theo luật, không thể tự ý làm được, không phải cứ đọc tên cho mọi người từ người lớn đến trẻ em biết thì được xem là công bố công khai, là đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trở lại sự việc các trường hợp mua, bán dâm bị nêu tên, xem mặt giữa đường như Công an thị trấn Dương Đông xử lý thì đây không thuộc trường hợp phải công bố công khai. Do đó, việc công an thị trấn Dương Đông “bêu tên” người mua dâm, người bán dâm là không dựa trên quy định pháp luật. Trong hệ thống pháp luật của nước ta không bất cứ điều khoản nào cho phép có hành vi “bêu rếu” người mua bán dâm nơi công cộng.

Đối với người bán dâm là phụ nữ, cũng cần thiết phải có sự xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh mà họ vi phạm pháp luật. Trong vòng quay cuộc sống, những người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình không may mắn, không có việc làm…có thể phải đối mặt với nhiều cạm bẫy cuộc sống, có khi đã phải liều “nhắm mắt đưa chân” làm những việc vừa vi phạm pháp luật, vừa bị người đời khinh rẻ, chịu nhiều tủi nhục, dễ nhiễm căn bệnh xã hội như hành vi bán dâm. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Hội LHPN các cấp, cần quan tâm, động viên, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập ở mức trung bình để người phụ nữ có công việc hợp pháp, được tôn trọng. Đó mới là giải pháp lâu dài và căn cơ, vừa hợp pháp, vừa nhân văn. 

Luật sư Hà Huy Từ: Việc Công an thị trấn Dương Đông nêu tên người mua, bán dâm là không đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, thể hiện phẩm giá cao quý của con người được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận, bảo vệ.

Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nước ta quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Khoản 1 Điều 34 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Như vậy dù người bán dâm, mua dâm có vi phạm pháp luật nhưng không vì thế mà có thể bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Đó là qui định của luật và cũng là cách ứng xử nhân văn trong xã hội. Phía sau họ còn có gia đình, bè bạn và hàng xóm láng giềng.

Trường hợp nào công khai tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính?
Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính
1. Đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
2. Nội dung thông tin công bố công khai gồm: Họ, tên, địa chỉ nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; hậu quả hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.
3. Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai.
4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai; có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính. Chi phí cho việc đính chính do cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt chi trả. Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử đăng thông tin phải thực hiện việc đăng tin đính chính trong thời hạn 01 ngày làm việc trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Trong trường hợp trang thông tin điện tử hoặc báo đăng không chính xác các thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này thì phải đính chính đúng chuyên mục hoặc vị trí đã đăng thông tin sai lệch trong thời hạn 01 ngày làm việc trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo và phải chịu chi phí cho việc đính chính.
5. Trường hợp việc công bố công khai việc xử phạt không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng thì người có thẩm quyền công bố công khai phải báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp và công bố công khai việc xử phạt ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục.
6. Kinh phí thực hiện công bố công khai được lấy từ kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi người đã ra quyết định thực hiện công bố công khai.
(Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn