Theo báo cáo của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai tại Việt Nam, năm 2020 đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn sạt, lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Cũng theo báo cáo, trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.
Chỉ riêng mấy tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra 8 trận mưa đá, dông lốc, sét; 4 trận động đất; 3 đợt rét đậm, rét hại; 2 trận lũ ống, lũ quét. Trong đó, đợt rét đậm, rét hại, băng giá từ ngày 07-13/1/2021 với nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) -2,20C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,40C đã làm 1.086 con gia súc bị chết, 108 ha ràu màu bị hư hại. Hoặc lũ quét trên địa bàn xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) xảy ra đêm ngày 16, rạng sáng ngày 17/4 đã làm 3 người chết, 36 nhà bị thiệt hại.
Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng 4, 5 và 8, 9 của năm 2021, lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%, khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất trong khu vực và có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Ngoài ra, có khả năng xảy ra dông mạnh kèm theo lốc, sét và mưa đá tại các địa phương trong khu vực vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Cũng theo dự báo, số lượng bão, ATNĐ trong năm 2021 khoảng 12-14 cơn hoạt động trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Hoàn lưu sau bão, ATNĐ có thể ảnh hưởng gây mưa lớn cho khu vực.
Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc do Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai được tổ chức ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ít ngày ông có xem một bộ phim tài liệu có tựa đề "Thiên nhiên và con người" nói về mối quan hệ giữa loài người và thiên nhiên. "Thời gian qua, loài người hứng chịu những trận thiên tai khốc liệt, nhưng đó cũng chỉ là sự cảnh báo của "mẹ thiên nhiên" thôi, nếu tương lai con người vẫn tiếp tục tác động xấu đến thiên thiên, thì "mẹ thiên nhiên" sẽ còn nổi giận hơn nữa", ông Hoan lưu ý.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, cụm từ "phòng chống" được nói nhiều trong các lĩnh vực, như phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống thiên tai... Khi có thiên tai, chúng ta thường xúm nhau lại để chống đỡ, sau đó là khắc phục, nhưng khi thiên tai qua đi thì chúng ta đôi lúc lại "lãng quên".
Theo ông Hoan, "phòng" là phải tìm ra được giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Theo đó, trước mắt chúng ta tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, những điểm xung yếu cần tiếp tục khắc phục. Trong PCTT cần có chiến lược dài hạn dựa trên nền tảng công nghệ, như công nghệ dự báo, công nghệ cảnh báo sạt trượt từ sớm,...
Nói về câu chuyện đánh đổi môi trường lấy kinh tế, ông Hoan cho biết, thông điệp xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế". Tuy nhiên, do nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ở mỗi địa phương có những lúc đâu đó vẫn còn tình trạng "đánh đổi một chút" môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
"Tôi nói vấn đề này không có ý phê bình địa phương nào, mà muốn nói lên chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Vì phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường", ông Hoan nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả đạt được, khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, thảo luận về giải pháp, mô hình để giảm nhẹ thiên tai cũng như các vấn đề khác để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai thời gian tới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn