New York oằn mình trong đại dịch Covid-19
Thành phố có biệt danh là "không bao giờ ngủ" giờ đây được coi là tâm dịch Covid-19 của nước Mỹ. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 31/3, toàn nước Mỹ có hơn 169.000 ca nhiễm Covid-19 (hơn 3.000 trường hợp tử vong). Trong đó, thành phố New York hiện là vùng dịch Covid-19 lớn nhất của nước Mỹ với hơn 67.000 ca nhiễm và hơn 1.300 người chết.
Tất cả các bệnh viên ở New York đều đã quá tải. Hình ảnh khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng đối với thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ này là những chiếc túi tử thi và các chiếc xe tải đông lạnh. Xe tải đông lạnh chứ không phải xe tải thường vì các nhân viên y tế không thể xử lý tất cả các tử thi bởi có quá nhiều. Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã khẩn cấp gửi tàu bệnh viện USNS Comfort với khoảng 1.000 giường bệnh đến New York để cứu trợ.
Đội ngũ y bác sĩ trên USNS Comfort vào khoảng 1.200 người. Họ sẽ nhận lãnh trách nhiệm tiếp nhận, chăm sóc và điều trị các bệnh nhân bệnh khác ở New York, giải phóng giường bệnh trên đất liền cho các ca Covid-19 nặng. Các bệnh nhân sẽ được chuyển lên tàu nhờ sàn đáp trực thăng cỡ lớn trên boong, có thể tiếp nhận được trực thăng quân sự. Trong số 1.000 giường của USNS Comfort, có gần 500 giường dành cho các trường hợp nhẹ, 20 giường hồi sức hậu phẫu và 80 giường trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tổng thống Donald Trump cũng đã phê duyệt việc xây dựng thêm 4 bệnh viện tạm thời tại New York. Tuy nhiên, cũng giống như các thành phố khác ở Mỹ, New York tiếp tục phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn các thiết bị an toàn cá nhân quan trọng và đội ngũ nhân viên y tế trong những tuần tới.
Ông Bill de Blasio, Thị trưởng New York, cho biết, thành phố cần phải có thêm 30.000 máy thở hô hấp, đã tăng giá lên 45.000 đôla mỗi chiếc do nhu cầu cao, để phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hiện nay, hàng ngàn y tá từ khắp nơi đã đổ về New York để ứng cứu cho thành phố. Họ nhận mức lương rất cao, lên tới 100 USD/giờ nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự vẫn tồn tại.
Ông Michael Fazio, chủ công ty Prime Staffing, chuyên tuyển mộ cung cấp nhân viên y tế, nói rằng ông đang cố gắng kiếm đủ 3.000 y tá cho các bệnh viện ở thành phố New York như New York-Presbyterian, Mount Sinai, NYU Langone và Bellevue. Ông Fazio chia sẻ: "Ưu tiên lúc này là các y tá làm việc trong phòng cấp cứu (ER) và phòng hồi sức (ICU) bởi số lượng y tá không đủ để sử dụng họ ở tất cả các khu vực trong bệnh viện".
Hiện tại, có khoảng 20.000 người Việt đang sinh sống tại thành phố New York, chủ yếu ở các vùng ngoại ô. Chia sẻ với BBC, anh Vinh, một người Việt đã sống ở New York trên 20 năm, cho biết: "Với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, mọi người đều tự giác ở nhà và chỉ đi ra ngoài khi có việc gì cần thiết. Chúng tôi tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đi cách nhau 6 feet, tức gần 2 mét, để giữ an toàn cho bản thân và cũng tránh bị phạt".
Ông chủ kinh doanh một cửa hàng ăn này chia sẻ thêm: "Ý thức người Việt ở đây rất cao. Chúng tôi không đi xa, chủ yếu mua nhu yếu phẩm, thực phẩm ở các tiệm nhỏ ở các ngã tư. Với những hộ gia đình lớn, nhu cầu mua nhiều, muốn tiết kiệm thì họ phải đi đến các chợ lớn. Họ phải dùng phương tiện công cộng, nếu sợ nhiễm bệnh thì chịu khó đi bộ".
Kể từ ngày 29/3, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã ra lệnh giải tán các cuộc tụ tập nơi công cộng. Cảnh sát sẽ phạt tới 500 USD với những ai vi phạm. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu của thành phố New York cũng đã đóng cửa.
Anh Vinh cho rằng, ở nhà và tự cách ly là giải pháp tốt nhất hiện nay để chống Covid-19. Còn trong trường hợp có những dấu hiệu bất thường và sức khỏe, họ cần phải liên lạc với những chuyên gia tư vấn về sức khỏe. Trong trường hợp khó thở, họ nên gọi 911, còn nếu sốt, hãy hỏi bác sỹ riêng để xem có được cho đi xét nghiệm hay không.
Nhưng với tình trạng ở New York hiện nay, việc xét nghiệm chỉ ưu tiên dành cho những người có nguy cơ cao nhất để khoanh vùng nhanh chóng và không lãng phí tài nguyên. Tình trạng ở New York quả là ngặt nghèo, không chỉ với người Việt mà với tất cả các cư dân ở thành phố có gần 9 triệu người này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn