Cuộc điều tra được thành lập vào năm 2018 và đã đưa ra 233 khuyến nghị cải cách mà Chính phủ New Zealand hứa sẽ xem xét. Đây là cuộc điều tra lớn nhất và tốn kém nhất cho đến nay ở nước này, tiêu tốn khoảng 170 triệu đô-la New Zealand (tương đương 101 triệu USD).
Báo cáo công bố ngày 24/7/2024 nặng 14kg, với gần 3.000 lời khai được thu thập và hơn 1 triệu tài liệu làm bằng chứng. Báo cáo này được đặt tên là "Whanaketia" (tạm dịch: Trải qua nỗi đau và chấn thương, từ bóng tối đến ánh sáng).
Báo cáo cho biết, từ năm 1950 đến năm 2019, gần 1/3 tổng số trẻ em và người dễ bị tổn thương tại các trung tâm chăm sóc đã bị ngược đãi. Ủy ban hoàng gia phát hiện ra rằng "trong số 655.000 trẻ em, thanh thiếu niên và người được chăm sóc, ước tính có 200.000 trẻ bị xâm hại, thậm chí có nhiều trẻ bị bỏ rơi".
Hành vi xâm hại bao gồm tấn công tình dục, bị gây sốc điện, kiềm chế bằng hóa chất, thử nghiệm y tế, triệt sản, bỏ đói và đánh đập. Có bằng chứng về việc những người trẻ tuổi ở các cơ sở chăm sóc bị đe dọa thông qua các vụ hành quyết giả, bị trừng phạt bằng việc dùng vũ khí đánh vào bộ phận sinh dục và thường xuyên bị biệt giam.
Báo cáo cũng xác định việc ngược đãi xảy ra tại các cơ sở dành cho người khuyết tật và người bị bệnh tâm thần. Cuộc điều tra cho thấy, trẻ em tại Bệnh viện tâm thần Lake Alice trong những năm 1970 đã bị tra tấn bằng cách sốc điện và tiêm thuốc gây đau đớn như một hình phạt.
Người Maori bản địa trở thành mục tiêu vì sắc tộc của họ, bao gồm cả việc bị ngăn cản tiếp xúc với tập tục văn hóa của họ. Arrun Soma, Cố vấn trưởng của cuộc điều tra, cho biết: "Sau khi được chăm sóc, những người Maori sống sót đã phải chịu sự đối xử khắc nghiệt hơn ở nhiều cơ sở".
Ủy ban điều tra hoàng gia đã tiếp xúc với hơn 2.300 nạn nhân. Nhiều nạn nhân đã đưa ra lời khai đau lòng về việc bị bạo hành, bị xâm hại tình dục trong các trại trẻ mồ côi, nhà nuôi dưỡng, bệnh viện tâm thần và các cơ sở khác.
Moeapulu Frances Tagaloa đã bị một linh mục xâm hại trong 2 năm, từ khi Tagaloa mới 5 tuổi vào những năm 1970 ở trường mà bà học tại Auckland. Bà không nhớ về việc bị xâm hại cho đến khi trưởng thành, sau đó bà bắt đầu bị ám ảnh. "Ông ta là một giáo viên nổi tiếng nhưng ông ta cũng là một kẻ ấu dâm và nhiều bé gái khác cũng bị ông ta xâm hại. Tôi thực sự bị tổn thương và tôi phải vượt qua điều đó", bà chia sẻ.
Tagaloa là một trong những nạn nhân còn sống và trở thành nhân chứng của cuộc điều tra. Tagaloa cho biết, cuộc điều tra là cơ hội để bà kể câu chuyện của mình. Tagaloa hiện làm việc trong một tổ chức chuyên giúp đỡ những người sống sót. Bà cũng trở thành cố vấn cho những nạn nhân trong cuộc điều tra. Bà nói: "Nạn nhân luôn sống trong nỗi đau thương từ những ký ức bị lạm dụng".
Còn bà Keith Wiffin đã liên tục bị tấn công tình dục từ lúc 11 tuổi. Bà đã đấu tranh đòi công lý suốt 22 năm qua. Anna Thompson cũng là nạn nhân bị ngược đãi trong một trại trẻ mồ côi.
"Vào ban đêm, các nữ tu lột hết quần áo của tôi, trói tôi nằm sấp xuống giường và đánh tôi bằng thắt lưng có khóa. Thắt lưng cứa vào da khiến tôi chảy máu và không thể ngồi xuống trong nhiều tuần sau đó", bà Thompson kể.
Một nạn nhân khác là Jesse Kett. Ông kể lại việc mình bị nhân viên một trường nội trú ở Auckland đánh đập và cưỡng hiếp khi mới 8 tuổi. Trong khi đó, một số nạn nhân khai rằng, việc bị xâm hại khiến họ mắc chứng rối loạn căng thẳng, dễ lo âu và lạm dụng chất gây nghiện.
Nhiều người sau đó đã phải trải qua tình trạng vô gia cư, nghèo đói, không có cơ hội học tập và làm việc. Những người Maori sống sót phải đối mặt với sự mất kết nối với văn hóa và bản sắc văn hoá dân tộc của họ, trong khi một số người khác bị đưa vào con đường trở thành thành viên băng đảng, bị bỏ tù. Một số người đã cố gắng tự tử nhiều lần.
Trong báo cáo cuối cùng được công bố sau 6 năm điều tra, Ủy ban điều tra hoàng gia cho biết: "Nếu sự bất công này không được giải quyết, nó sẽ mãi mãi là vết nhơ của quốc gia chúng ta".
Theo báo cáo, thiệt hại kinh tế của việc xâm hại này ước tính từ 96 tỷ đến 217 tỷ đô la New Zealand, có tính đến chi phí chăm sóc sức khỏe, tình trạng vô gia cư và tội phạm. Chi phí trung bình trong đời của một nạn nhân vào năm 2020 là khoảng 857.000 đô la New Zealand.
Báo cáo cho biết thêm, lãnh đạo của các cơ sở chăm sóc có liên quan đã che đậy hành vi bằng cách đưa những kẻ xâm hại đến các địa điểm khác và phủ nhận tội lỗi. Nhiều nạn nhân đã chết trước khi được đòi lại công bằng.
Coral Shaw, Thẩm phán chủ trì cuộc điều tra, mô tả quy mô của vụ việc này là "sự ô nhục và xấu hổ của quốc gia", đồng thời kêu gọi New Zealand chú ý đến báo cáo để đảm bảo điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Trước những kết quả điều tra được công bố, ngày 24/7, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã phải đưa ra lời xin lỗi và cam kết thực hiện quy trình khắc phục hậu quả. "Đây là một ngày đen tối và đau buồn trong lịch sử của New Zealand. Chúng ta đáng lẽ phải làm tốt hơn", Thủ tướng Luxon phát biểu tại một cuộc họp báo.
Ông Luxon cho biết tổng số tiền bồi thường cho những người sống sót có thể lên tới hàng tỷ đô la và chính phủ sẽ đưa ra lời xin lỗi chính thức vào ngày 12/11 tới.
Các nhà điều tra cũng khuyến nghị bồi thường cho các gia đình của những nạn nhân do chấn thương liên thế hệ mà họ phải chịu đựng, cũng như xem xét lại khoản bồi thường đã trả trong các trường hợp xâm hại trẻ em trước đây.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn