Nga tìm kiếm cơ hội sống thứ 2 cho thiên tài khoa học Yuri bằng đóng băng bộ não

15:24 | 08/12/2018;
Các nhà khoa học Nga đã tiến hành đóng băng bộ não của thiên tài khoa học – tiến sĩ Yuri Pichugin, người đã tạo ra công nghệ đóng băng mang đến cho con người cơ hội “sống lại” trong tương lai.

Mặc dù cách đây 2 năm, tiến sĩ Yuri Pichugin từng từ chối việc được bảo quản xác hoặc não bằng cách đóng băng do chính ông nghĩ ra vì lý do đạo đức, nhưng sau khi ông quá đời đột ngột ở tuổi 67 vào cuối tháng 11 vừa qua, não ông đã được các nhà khoa học bảo quản và lưu giữ cho hậu thế trong nhiệt độ -196 độ C.

Được biết, tiến sĩ Yuri qua đời do bị hạ thân nhiệt sau khi ngã gục ngoài trời vì lên cơn đau tim ở Ukraine dưới nền nhiệt -7 độ C.

Mặc dù từ chối được bảo quan cơ thể chờ sống lại nhưng não của tiến sĩ Yuri Pichugin đã được bảo quản theo phương pháp do chính ông nghĩ ra ở nhiệt độ - 196 độ C.

Hiện não của tiến sĩ Yuri đang được bảo quản trong một bình khổng lồ trong một nhà kho gần Moscow, Nga cùng với 66 người chết và 32 vật nuôi bao gồm mèo, chó và một con vẹt khác chờ đợi một ngày thức dậy.

Người ta tin rằng trường hợp tử vong bất thường của tiến sĩ Yuri khi cơ thể ông nằm ngoài trời lạnh suốt đêm là điều kiện giúp bảo vệ bộ não của ông sau cơn đau tim nghiêm trọng.

Valeria Udalova, phát ngôn viên của Công ty KrioRus – công ty cung cấp dịch vụ bảo quản lạnh cho biết: “Chúng tôi nhận được tin về cái chết của ông ấy (Tiến sĩ Yuri). Ông ấy lên cơn đau tim khi chỉ cách cửa nhà vài mét và bị đóng băng cho đến chết. Hàng xóm tìm thấy thi thể của ông ấy vào buổi sáng. Nếu có ông ấy được phát hiện sớm hơn, có lẽ ông ấy sẽ sống.

Thực tế, đây không phải là một tình huống lý tưởng cho công việc bảo quản của chúng tôi vì thông thường, chúng tôi muốn thực hiện các thủ tục cần thiết trong vòng 15 hoặc 16 giờ đầu tiên sau khi người đó tử vong.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục bị trì hoãn do cái chết của ông được cho là có liên quan đến một vụ án hình sự. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng bảo vệ cơ thể ông ở nhiệt độ thấp và bảo quản não của ông ấy một ngày sau khi ông qua đời. May mắn thay, chúng tôi đã được chính quyền hỗ trợ làm mọi thủ tục kịp thời”.

Người thân đặt hoa vào quan tài được sử dụng để bảo quản xác của tiến sĩ Yuri trước khi đưa vào kho lưu trữ.

Tiến sĩ Yuri bắt đầu quan tâm đến công nghệ bảo quản xác bằng cách đông lạnh vào năm 1975 khi ông còn là một sinh viên ở thành phố Tomsk, Nga.  Sau đó, ông làm việc tại một phòng thí nghiệm bảo quản lạnh của Liên Xô tại Kharkov trong 20 năm để phát triển các chất bảo quản lạnh.

Năm 1999, ông chuyển sang Đại học California (Los Angeles, Mỹ) và sau đó là Viện Cryonics ở Detroit.

Từ năm 2011, ông làm việc cho Công ty KrioRus tại Moscow với vai trò là một nhà tư vấn.

Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, tiến sĩ Yuri từng nói rằng một ngày nào đó, công nghệ nano sẽ được phát triển đúng cách cho phép hồi sinh những người được bảo quản bằng phương pháp đông lạnh.

Theo quy trình đông lạnh của tiến sĩ Yuri, máu sẽ được rút ra khỏi cơ thể, sau đó một chất bảo vệ lạnh, có chứa glycerine, ethylene glycol và các chất khác được tiêm vào tĩnh mạch và động mạch. Cuối cùng, cơ thể hoặc não sẽ được đưa vào buồng lạnh và đông lạnh ở nhiệt độ -196 độ C.

Nhiều người đã bỏ ra hàng nghìn bảng Anh để bảo quản lạnh mong một ngày sống lại trong tương lai.

 

Chủ tịch Công ty KrioRus, tiến sĩ Danila Medvedev đã dự đoán “sau năm 2030 sẽ có những công nghệ cho phép chúng ta đưa mọi người trở lại cuộc sống hoặc ít nhất là đưa bộ não của họ sống lại” và “đến năm 2050, thủ tục này sẽ có sẵn cho công chúng”.

Hiện tại chi phí bảo quản lạnh tại Công ty KrioRus là 28.200 bảng Anh (gần 840 triệu VNĐ) cho toàn bộ cơ thể, còn với một bộ não là 14.100 bảng Anh (khoảng 420 triệu VNĐ) cho người nước ngoài, giá sẽ kinh tế hơn đối với người Nga.

Ngoài ra công ty còn cung cấp dịch vụ cho mèo với 7.850 bảng Anh(232 triệu VNĐ), trong khi giá để bảo quản lạnh một con chó lớn có thể tương đương giá với một người.

Công ty KrioRus tuyên bố: “Tiến sĩ Yuri Pichugin đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của công nghệ bảo quản lạnh ở Mỹ và Nga. Nhờ bảo quản lạnh não của ông ấy, có khả năng trong thế kỷ sau này, ông ấy sẽ được sống lại”.

Đối với một số người, công bảo quản lạnh trên thực sự là một cơn ác mộng khoa học viễn tưởng, rùng rợn đối với thiên nhiên. Tuy nhiên, với những nhiều người khác, đây lại là một viễn cảnh thực tế, một bước đi trêu ngươi đối với cuộc sống vĩnh cửu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn