Dù vết mổ phục hồi tốt ngay sau phẫu thuật nhưng bệnh nhân L.T.L.H (25 tuổi) ở Phú Xuyên, Hà Nội vẫn chưa hết giật mình vì sự chủ quan, không tái khám đã khiến bản thân suýt rơi vào tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Cách đây 3 năm, chị được các bác sĩ phẫu thuật dùng đinh và chỉ thép để cố định chấn thương xương đòn. Theo quy trình, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên ngay sau phẫu thuật và lấy thiết bị cố định xương ra khỏi cơ thể khi xương đã liền. Tuy nhiên do dịch Covid-19 cùng với sự chủ quan, chị H đã không tái khám.
Hơn 1 năm trước, chị H đột nhiên thấy đau nhói ở vùng vai gáy kèm khó thở trong thời gian ngắn. Nghĩ rằng có thể đó là ảnh hưởng sức khỏe sau sinh nên chị và người nhà cũng không để tâm.
Cách đây 1 tuần, chị H đến bệnh viện tư nhân để kiểm tra và tham khảo ý kiến bác sĩ thì mới phát hiện chiếc đinh dài 8cm đã di chuyển từ đầu ngoài xương đòn vào tận cột sống cổ mà không có bất kỳ biểu hiện, triệu chứng nào. Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ hướng dẫn đến thăm khám và điều trị tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao - Bệnh viện E (Hà Nội).
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành chẩn đoán lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xác định được vị trí kim găm là ở giữa gai sau của C6 và C7 của cột sống cổ. Ca phẫu thuật lấy dị vật cho bệnh nhân đã được tiến hành ngay sau đó dưới sự tham gia của các bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh.
Quá trình phẫu thuật diễn ra không hề dễ dàng. Mặc dù đã sử dụng màn hình siêu âm và hệ thống màn huỳnh quang tăng sáng (C-arm), tuy nhiên gần 1 tiếng ở vị trí mổ đầu tiên các bác sĩ vẫn chưa tìm được dị vật do bị che lấp bởi các bó cơ. Các bác sĩ đã phải mổ phần cột sống cổ để tiếp tục công cuộc tìm kiếm. Quá trình mổ phải tiến hành bóc tách cơ nhiều với hàng loạt đường mổ nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, chiếc kim găm ở phần cột sống cổ và những dụng cụ phẫu thuật kết hợp xương còn lại từ ca phẫu thuật trước đã được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Một tuần sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi tốt và chuẩn bị được xuất viện.
Theo Ths.Bs Nguyễn Đình Hiếu, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao - Bệnh viện E, người trực tiếp thực hiện ca mổ, bệnh nhân vẫn còn may mắn khi kim mới chỉ găm vào phần cứng của cột sống cổ. Nếu không phát hiện và xử lý sớm, thì chiếc kim có nguy cơ tiếp tục trôi vào các bộ phận khác của cơ thể như tủy sống cổ, hoặc nó trôi đâm vào màng phổi, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tuy đây là một tai biến hiếm gặp sau phẫu thuật nhưng nó như một lời cảnh báo tình trạng bệnh nhân chủ quan với sức khỏe, không tuân thủ tái khám đầy đủ sau phẫu thuật của bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hiếu khuyến cáo, với những bệnh nhân sau phẫu thuật có sử dụng các dụng cụ kim loại như đinh, kim, chỉ thép để cố định xương cần tái khám mỗi tháng 1. lần trong 3 tháng đầu. Sau đó, khi xương bắt đầu liền, bệnh nhân cần tiếp tục tái khám 3 tháng/lần và nên đến bệnh viện để xử lý, rút dụng cụ kim loại khi xương đã liền hết, tránh trường hợp các dụng cụ này có thể di trú sang bộ phận khác của cơ thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn