Ngại nấu ăn, vợ chồng trẻ từ chối nhận đồ bố mẹ ở quê gửi lên

08:27 | 28/06/2022;
Không phải cặp vợ chồng nào cũng thích nấu nướng ở nhà, càng không thích nhận quá nhiều đồ ăn "tiếp tế" của gia đình từ quê lên.

Nấu ít thì sợ "dính xoong"

Sống ở Hà Nội, gia đình chỉ có hai vợ chồng ở với nhau nên Kiều Hoa (29 tuổi) cứ lăn tăn mãi về khoản nấu cơm. Tình hình hiện tại giá cả thì leo thang, nên bố mẹ Hoa ở quê thường gom rau củ quả trồng được gửi lên cho con.

Thế nhưng Hoa thấy nấu ở nhà mỗi thứ 1 tí thì ít quá, không bõ công. Cơm nấu thì tốn thời gian, ăn xong lại thêm khoản dọn dẹp rửa bát. Ấy là chưa kể cô phải lo sắp xếp khoản thực đơn ăn uống mỗi ngày sao cho không bị trùng món. Trong khi đó, chồng của Hoa cũng khá "khó tính" trong khoản ăn uống hàng ngày.

Theo Hoa chia sẻ ông bà ở quê thường rất thích gửi đồ lên cho con vì nghe báo đài thông tin thấy cái gì cũng tăng giá, mua ở ngoài còn không đảm bảo chất lượng. Mỗi chuyến đồ gửi lên là cả bao tải to nhét cơ man nào rau sạch, hoa quả. Có 1 loại rau mà ông bà gửi tới cả vài túi to, hai vợ chồng Hoa phải cật lực ăn cả tháng chưa hết. Hiểu nỗi lo lắng của bố mẹ cho con là tốt nhưng Hà cũng đôi phần cảm thấy áp lực mỗi khi nhận được đồ, nên tâm lý dù không thích cũng cứ phải cố gắng ăn cho bằng hết.

Hiểu nỗi lo lắng của bố mẹ cho con là tốt nhưng Hoa cũng đôi phần cảm thấy áp lực mỗi khi nhận được đồ, nên tâm lý dù không thích cũng cứ phải cố gắng ăn cho bằng hết. Ảnh minh họa

"Ở quê rau củ trồng được ngoài ruộng nhiều nên ông bà gửi lên cứ "phóng tay" cho cả bao tải nọ đến bao tải kia. Hai vợ chồng ăn thì chẳng hết mấy nên cái tủ lạnh lúc nào cũng đầy ứ đồ. Ngặt nỗi đồ ăn lặp đi lặp lại vì chỉ loanh quanh vài loại rau như rau muống, rau cải, rau ngót, số lượng rất nhiều. Ăn hoài ăn mãi cũng ngán. Mình đang tính từ tháng sau sẽ dặn ông bà ít gửi đồ lên thôi, nếu có thì chỉ vài thứ để vừa kịp ăn sẽ không bị phung phí. Tới nữa vợ chồng mình có em bé không ra lấy được đồ thì thôi", Hoa chia sẻ thêm.

Chồng của Hoa ban đầu cũng không đồng ý vì thấy chịu khó ăn đồ ông bà gửi lên sẽ tiết kiệm được mỗi tháng 1-2 triệu, nhất là trong thời điểm giá cả tăng lên. Nhưng được vài tháng đến anh cũng thấy ngán khi mỗi lần vợ nhắc đến cơm nhà.

Từ chối nhận đồ bố mẹ ở quê gửi lên vì vợ chồng trẻ lười nấu, chọn ăn ngoài chấp nhận giá cả tăng cao - Ảnh 3.

"Hai vợ chồng mình chỉ ăn với nhau có 1 bữa cơm tối ở nhà thôi. Bữa sáng mua khi thì xôi, khi thì bánh mì là xong. Trưa thì đã đi ăn ngoài cùng đồng nghiệp. Tới tối đi về mệt mỏi lại hùng hục nhảy vào bếp nấu ăn. Ngoài các món thường lặp lại thì khi ăn xong cũng phải dọn dẹp nữa. Trong khi đó hai vợ chồng đều không giỏi nấu nướng, món lên mâm vừa miệng là tốt rồi.

Thu nhập ổn định nên hai vợ chồng mình quyết định chuyển qua đặt đồ ăn về nhà cho nhanh, bớt mất công tốn sức. Dù sao mỗi tháng hai vợ chồng mình chịu bỏ ra thêm từ 2-3 triệu cho tiền đặt đồ ăn buổi tối là được", Hoa chia sẻ.

Giá cả tăng vẫn đặt cơm ngoài để có thời gian làm part-time tăng thu nhập

Thích đặt đồ ăn ngoài từ 1 tháng nay, nhưng lý do của chị Vũ Hà (làm công việc cho 1 công ty nhập liệu tại Hà Nội) khác hơn 1 chút. Chị đặt cơm ngoài cho nhanh chóng, tiết kiệm thời gian để còn làm thêm việc part-time tăng thu nhập vào buổi tối.

"Thời buổi vật giá leo thang, thay vì nghĩ tiết kiệm vài đồng tiền ăn thì mình thấy tăng thu nhập từ một công việc phụ là phương án hiệu quả hơn. Thời gian làm việc của mình ở công ty từ 8 giờ đến 5 giờ chiều sẽ được nghỉ, lương 12 triệu/tháng. Quãng thời gian từ 6h - 11h buổi tối trống không cũng khá phí nên mình quyết định nhận thêm việc part-time để tăng thu nhập. Từ 1 người quen trong công ty, mình nhận công việc nhập liệu tương tự cho một bên công ty star-up khác với số tiền là 7 triệu/tháng".

Từ chối nhận đồ bố mẹ ở quê gửi lên vì vợ chồng trẻ lười nấu, chọn ăn ngoài chấp nhận giá cả tăng cao - Ảnh 4.

Để tối ưu và đảm bảo lượng công việc đã nhận chị Hà không đi chợ hay nấu cơm buổi tối nữa mà thay vào đó là đặt đồ ăn ngoài cho hai vợ chồng. Khi thi bún, khi thì cơm rang, khi thì cháo phở. Mỗi bữa như vậy chi phí khoảng 100 - 150.000 đồng/2 vợ chồng, 1 tháng hết khoảng 3 - 4 triệu. Khoản lương từ công việc part-time sau khi chi trả tiền ăn vẫn còn dư được 3 triệu nữa. Mà chị Hà bớt hẳn khoản chợ búa đau đầu sau mỗi lần tan sở.

"Mùa hè nắng nóng thế này tối về ập vào nấu nướng đúng là khủng hoảng luôn đấy. Người nhễ nhại mồ hôi, nấu xong chả còn hứng thú ăn uống gì nữa. Cảnh chồng ngồi ăn vợ thì thở dài ngao ngán cũng chán. Từ đợt mình đặt đồ ăn ngoài, kể ra cũng tiện. Thích ăn lúc nào thì đặt qua app đồ ăn ship tới lúc đấy. Chồng mình cũng không có ý kiến gì nhiều về vấn đề này bởi thấy vậy cũng tiết kiệm thời gian hơn cho vợ làm việc. Thỉnh thoảng khi nào có sự kiện vui thì mình đổi món đắt hơn cho hai vợ chồng liên hoan, khoản chi tiêu đó mình cũng thấy là cần thiết cho gia đình".

Cách chi tiêu khác cho bữa cơm gia đình: "Dù không vào bếp vẫn hạnh phúc"

Dù không tự vào bếp vẫn có những lựa chọn cho bữa cơm chuẩn vị nhờ đặt ngoài nên nhiều chị em đã có cái nhìn thoáng hơn. Ảnh minh họa

Từ xưa, quan niệm bữa cơm luôn là khoảnh khắc thiêng liêng với nhiều gia đình. Bởi nhiều người vẫn thường cho rằng, đây là thời gian tụ họp sum vầy sau một ngày làm việc mệt mỏi. Người phụ nữ cũng mong muốn xắn tay áo vào bếp để nấu những món ăn ngon cho chồng cho con.

Nhưng thực tế hiện nay, nhiều vợ chồng trẻ đang có cái nhìn thoáng hơn về việc chi tiền cho bữa cơm nhanh gọn để có trải nghiệm nhẹ nhàng hơn.

Hoài My (cô vợ ở Hà Nội, 27 tuổi) đưa ý kiến: "Cùng nhau làm một việc gì đó là cách để các vợ chồng trẻ gia tăng kết nối và cảm xúc dành cho nhau, nhưng không nên cứng nhắc ép buộc nó trở thành công thức đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần... Nếu bữa ăn gia đình bỗng trở thành gánh nặng không vui thì nên thay đổi để tránh sự nhàm chán, bất mãn. Những trải nghiệm chi tiêu mới mẻ mình nghĩ biết đâu sẽ làm phong phú thêm mối quan hệ tình cảm của vợ chồng thì sao".

Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn