Từ hôm biết con gái mang bầu đã được 4 tháng, vợ chồng chị Bình (Hà Nội) mất ăn mất ngủ. Chị Bình lấy chồng sớm, sinh con ở tuổi 20. Giờ ở tuổi 36, chị lại sắp lên chức bà ngoại. Bên nhà "thông gia", bố mẹ "chú rể" cũng mới bước vào tuổi 40. Bản thân vợ chồng chị Bình biết, để hai con chưa đủ tuổi kết hôn sống với nhau như vợ chồng là vi phạm pháp luật. Nhưng tình thế bắt buộc, họ đành làm "đám cưới chui" trong nơm nớp lo sợ, kể cả chịu phạt theo quy định. Hai nhà thống nhất giản tiện tối đa các thủ tục, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, thân cận để con trẻ không tủi.
Trần tình về sự việc ngoài mong muốn, chị Bình cho biết, khi phát hiện con gái mang bầu 4 tháng, chị đã bàn với chồng, xin bảo lưu kết quả học tập của con rồi cứ để cho con bé sinh con. Lúc con cứng cáp, ông bà trông cháu để mẹ tiếp tục đi học. "Có cái bằng cấp III, sau có xin đi làm công nhân khu công nghiệp hay làm việc gì cũng dễ hơn. Bên anh chị thông gia cũng là người nhân hậu, tốt tính nên xin đón cháu về bên nhà chăm sóc. Nhưng quả thực, con đi làm dâu mà bố mẹ lo ngay ngáy. Ở nhà, cháu ăn còn phải giục, ngủ còn phải gọi, nào đã biết gì là phép tắc, cách đối nhân xử thế. Giờ đến nhà chồng sống, "nàng dâu chín ép" biết đường ăn, lẽ ở thế nào. Rồi vài tháng nữa, vợ chồng 'con nít' nuôi con, dạy con thế nào", chị Bình không giấu nổi nỗi lo.
Hôm bố mẹ "chú rể" và đại diện họ hàng nhà trai sang nhà gái "xin dâu", chị Bình không kiềm nổi cảm xúc, khóc nấc trước quan viên hai họ. Nhìn con gái mặt búng ra sữa, hồn nhiên bên mấy đứa bạn thân, ai bảo gì làm nấy mà lòng người mẹ xót xa. Cũng bởi còn quá trẻ, chưa có một chút kinh nghiệm sống và trải nghiệm nào nên ngay trong đám cưới, phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười. Ấy là khi đại diện hai bên gia đình còn đang ngồi trò chuyện để "xin dâu" thì quay ra, quay vào, "cô dâu" - "chú rể" cùng đám bạn đã ra ngõ chụp ảnh "check-in nhà gái", rồi đưa tót nhau lên xe ngồi chờ sẵn để quay về nhà trai. Khi người lớn thưa chuyện cùng nhau xong, đến lượt "vợ chồng trẻ" dâng hương lễ gia tiên thì chẳng thấy "cô dâu" - "chú rể" đâu. Bố mẹ hai nhà tá hoả, người nọ hối người kia đi tìm mới "lôi" được hai đứa từ "xe hoa" vào nhà để làm lễ. "Vẫn may mà chúng nó chưa bỏ các cụ lại, đưa nhau về trước", một người trong đoàn nửa đùa nửa thật.
Chứng kiến cảnh này ngay trong ngày trọng đại, chị Bình "muối mặt" vì con gái còn quá trẻ con. Chị Bình giọng buồn rầu, thổn thức nói với nhà trai: "Cháu còn tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Em chưa dạy dỗ cháu được đến nơi đến chốn thì cơ sự này xảy ra. Thôi thì em đành cậy nhờ các cụ, các ông, các bà bên ấy thay vợ chồng em yêu thương, đùm bọc, bảo ban, dạy dỗ cháu nên người. Nếu cháu sau này vẫn còn non dại quá, bên ấy không chịu được, em lại xin đón mẹ con cháu về để bảo ban thêm".
Nghe chị Bình nói vậy, không khí vốn chẳng vui vẻ gì càng trầm xuống. Thành viên nhà trai, nhà gái có mặt lúc ấy, ai ai cũng ngậm ngùi.
* Tên và địa chỉ của nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CPquy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
Nếu sau khi xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm, vẫn cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật thì theo Điều 183 Tội tổ chức tảo hôn, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Có hiệu lực 01/01/2018) quy định: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn