Ngắm nhìn vẻ đẹp của cổ trấn Mộc Độc - nơi Càn Long 5 lần ghé thăm và đề thơ khen ngợi

19:39 | 07/06/2023;
Mùa xuân năm 1751, Càn Long lần đầu tiên đặt chân đến Mộc Độc (Tô Châu, Trung Quốc) trong chuyến Nam tuần. Tại đây vị Hoàng đế nhà Thanh đã bị rung động bởi vẻ đẹp của trấn cổ ngay khi thuyền cập bến.

Cổ trấn Mộc Độc ở Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc) có lịch sử hơn 2.500 năm. Tên "Mộc Độc" có vẻ khá "lạc quẻ" trong danh sách những cổ trấn ở miền sông nước Giang Nam trữ tình.

"Độc" ở đây có nghĩa là những con sông, suối nhỏ thường thấy ở phía nam Trường Giang. Cổ trấn Mộc Độc nằm ở phía Tây thành phố Tô Châu, tiếp giáp với Thái Hồ, 1 trong 4 hồ nước ngọt lớn ở Trung Quốc. Trong trấn có một con sông Hương Khê, bắt nguồn từ trấn Quảng Phúc lân cận, dòng chảy uốn lượn tạo nên cảnh sắc đặc trưng của một cổ trấn Giang Nam, cuối cùng đổ vào Thái Hồ.

Cổ trấn Mộc Độc gắn liền với dòng sông Hương Khê chảy qua. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Phía Tây Bắc của trấn cổ có ngọn núi Linh Nham nổi tiếng. Nguồn gốc của tên Mộc Độc đến từ núi Linh Nham, cách đây hơn 2.000 năm. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Ngô Vương Phù Sai đóng đô ở Tô Châu, có được Tây Thi, mỹ nhân tuyệt sắc do Việt quốc dâng tặng, nên Phù Sai sai quân xây một "Quán Oa cung" cho Tây Thi trên núi Linh Nham.

Kiến trúc thời bấy giờ dùng gỗ là vật liệu chính. Kết quả là một số lượng lớn gỗ mua từ nước Ngô hoặc các nước láng giềng đã được vận chuyển bằng đường thủy đến bờ sông dưới chân núi Linh Nham, tạo nên cảnh tượng sông ngòi đầy gỗ trong một thời gian dài. Sử sách có ghi: "Gỗ tắc sông ngòi", có nghĩa là gỗ chất đầy bờ sông dưới chân núi Linh Nham, thậm chí còn cản trở dòng chảy, tắc nghẹt con sông. Cái tên Mộc Độc bắt nguồn từ đây.

2.000 năm sau, vào thời nhà Thanh, cổ trấn Mộc Độc tiếp đón một vị Hoàng đế khác, chính là Càn Long.

Cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhưng tòa kiến trúc cổ mở cửa cho du khách tham quan. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Mùa xuân năm 1751, Càn Long lần đầu tiên đặt chân đến Mộc Độc trong chuyến Nam tuần. Tại đây vị Hoàng đế nhà Thanh đã bị rung động bởi vẻ đẹp của trấn cổ ngay khi thuyền cập bến. Vì vậy ông đã viết một bài thơ ca ngợi trấn Mộc Độc.

Càn Long là người thích làm thơ, vẽ tranh, một đời đã để lại 41.863 bài thơ, nhưng phần lớn đều là những tác phẩm "vô thưởng vô phạt" không đáng nhắc đến. Bài thơ về cổ trấn Mộc Độc này cũng là một trong số đó. Tất nhiên, quan viên địa phương không cần biết bài thơ có bao nhiêu ý nghĩa, chỉ cần do đích thân Hoàng đế chấp bút là được. Thế là họ đã cho người khắc bài thơ này của Càn Long lên bia đá, dựng nó trên phố Sơn Đường trong trấn cổ, và xây một mái đình lấy tên "Ngự Mã Đầu" vì đây là nơi Hoàng đế cập bến.

Ngắm nhìn vẻ đẹp của cổ trấn - nơi Càn Long 5 lần ghé thăm và đề thơ khen ngợi - Ảnh 3.

Bia đá khắc bài thơ của Hoàng đế Càn Long ca ngợi vẻ đẹp của cổ trấn Mộc Độc. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Sau đó, Hoàng đế Càn Long đã đến cổ trấn Mộc Độc năm lần, có thể thấy ông rất yêu thích vẻ đẹp của nơi đây. Những nơi Càn Long thích đến là Hồng Ẩm sơn phòng và Nghiêm Gia hoa viên. Trong đó, Hồng Ẩm sơn phòng rất nổi tiếng ở Giang Nam, vì cửa đối diện với sông Hương Khê và phía sau là núi Linh Nham, nên phong thủy rất tốt. Do đó, mỗi khi Càn Long đến Mộc Độc, ông đều đến khu vườn này để xem một vở kịch.

Tiền thân của Nghiêm Gia hoa viên là nơi ẩn cư của Thẩm Đức Tiềm, đại thần của triều Thanh và cũng là thầy của Càn Long. Hiện tại trong hoa viên có một cây mộc lan, tương truyền là do đích thân Càn Long vun trồng. Cho đến nay cây mộc lan này vẫn tươi tốt và trổ hoa hằng năm.

Ngắm nhìn vẻ đẹp của cổ trấn - nơi Càn Long 5 lần ghé thăm và đề thơ khen ngợi - Ảnh 4.

Cây cầu bắc qua sông cũng là một “đặc sản” ở cổ trấn Giang Nam nói chung và cổ trấn Mộc Độc nói riêng. Trên sông Hương Khê chảy ngang qua cổ trấn có một cây Vĩnh An hơn 500 năm tuổi. Cầu đá cong cong, vẽ một vòng cung bán nguyệt, có bụi dây leo rủ cành, thuyền bè đi qua như vén rèm xanh đầy thơ mộng. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Ngắm nhìn vẻ đẹp của cổ trấn - nơi Càn Long 5 lần ghé thăm và đề thơ khen ngợi - Ảnh 5.

Giữa trấn cổ có chùa Minh Nguyệt với bức tường bên ngoài màu vàng, được xây dựng vào cuối thời nhà Đường và trùng tu vào thời nhà Thanh. Thời bấy giờ, gần chùa có những cây lê lớn, và trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ của thi nhân Lý Quả: “Hoa lê chùa Minh Nguyệt, cỏ thơm am Mục Ngưu”. Thật đáng tiếc, cảnh tượng hoa lê nở rộ ngát hương một vùng đã không còn nữa. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Vẻ đẹp yên bình tại trấn cổ nghìn năm. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lục Kiến Hoa đăng tải trên Sohu

Cổ trấn Mộc Độc mở cửa miễn phí cho khách du lịch, nhưng đến Hồng Ẩm sơn phòng và Nghiêm Gia hoa viên cần mua vé vào với giá khá cao.

Thực sự mà nói, trấn cổ Mộc Độc không quá nổi tiếng vì cái bóng của những trấn cổ khác ở Tô Châu quá lớn, như cổ trấn Chu Trang, cổ trấn Đồng Lý. Nhưng nếu muốn trải nghiệm nét trầm của lịch sử và bầu không khí chậm rãi, không xô bồ, không tấp nập du khách thập phương, bạn có thể đến với Mộc Độc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn