Vẻ đẹp lung linh của “thủy cung trên cạn” tại cầu vượt bộ hành bắc ngang phố Trần Nhật Duật
Sau 10 năm được đưa vào sử dụng, cầu vượt bộ hành bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có phần xuống sắc. Dự án tô điểm cầu vượt bộ hành được thực hiện bởi nhóm họa sĩ từng tham gia nhiều dự án nghệ thuật công trình công cộng trên phố Phúc Tân và phố Phùng Hưng.
Cầu được thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép chiều dài 44,6m, gồm 2 nhịp dầm, chiều rộng cầu 3m, tĩnh không tối thiểu 4,75m. Cầu xây dựng trên 4 mố trụ chính và 1 trụ cầu thang.
Dọc tuyến đường Trần Nhật Duật - đường Trần Quang Khải tập trung nhiều khu dân cư, cơ quan, trường học, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Cầu vượt bộ hành qua đê hữu Hồng - đường Trần Nhật Duật là công trình kết nối giao thông cho người đi bộ sang đường, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện khác trong quá trình tham gia giao thông qua khu vực này.
Sau khoảng 10 năm đi vào sử dụng, cây cầu này đã “xuống sắc”, sau khi được sự chấp thuận của UBND quận Hoàn Kiếm nhóm họa sĩ đã “tân trang” lại ngoại hình của cầu đi bộ.
Nhiều người dân và cả khách du lịch khi ngang qua cầu đều ngỡ ngàng trước "tấm áo mới" của cây cầu và tranh thủ lưu lại những hình ảnh về nét mới mẻ, sự độc đáo này.
"Tấm áo mới" của cây cầu thu hút được rất nhiều sự chú ý của các đơn vị báo chí, truyền thông. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển dự án cải tạo cầu đi bộ Trần Nhật Duật chia sẻ: "Với chủ đề “nước”, nhóm chúng tôi sẽ biến cây cầu đi bộ thành một tác phẩm sắp đặt ánh sáng, giống như một đường "hầm thủy cung" với các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Chủ đề “nước” có 2 tác phẩm vẽ 3D, tương tác với trụ cột cầu thành 1 hình kéo khóa nước chảy tràn và 1 bức tranh 3D những con thuyền giấy phía sau bức tường đê.
Họa sĩ Lê Đăng Ninh (áo đen), một trong những tác giả tham gia vào dự án với tác phẩm dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của họa sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.
Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được thiết kế vẽ các bức “Cá chép vượt vũ môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống.
Các loài cá, mực, sứa trang trí tại đây được làm từ chai nhựa tái chế do học sinh các trường tiểu học trên địa bàn quận tham gia thu gom tạo nên tác phẩm. Tận dụng ánh sáng từ đèn cao áp chiếu hắt xuống đi qua tấm che của cây cầu, những tác phẩm hiện lên trông như một "thủy cung" trên cạn với rất nhiều loài động vật dưới biển đang bơi lội phía trên vòm cầu.
Khi trời càng trở về tối, cầu bộ hành càng trở nên lung linh, huyền ảo. Cùng với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm 22 Hàng Buồm, 3 địa điểm không gian nghệ thuật sẽ kết nối với nhau tạo thành một tour nghệ thuật hấp dẫn thu hút khách thăm quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Hiện dự án đã bước vào những khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện tổng thể. Các nghệ sĩ thực hiện dự án kỳ vọng rằng đây sẽ là điểm lưu giữ kỷ niệm đẹp của người dân trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng như thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, dự án nghệ thuật này sẽ góp thêm một điểm đến văn hóa, du lịch tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn