Nho khô là một món ăn vặt quen thuộc của nhiều người, chúng được sấy khô trong máy khử nước thực phẩm hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.. Khi tiêu thụ nho khô điều độ thì chúng rất tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu và phòng ngừa bệnh tật. Giá thành cũng vừa phải nên phù hợp cho mọi đối tượng.
Tuy nhiên ngoài việc ăn trực tiếp, nho khô còn có một cách chế biến khác chính là ngâm với nước qua đêm, sau đó dùng như một thức uống hàng ngày. Theo Kathy Warwick – chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Nam Mississippi (Mỹ), loại nước này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn bạn tưởng.
Nước nho khô sở hữu gần như toàn bộ lợi ích của việc ăn nho khô, nhưng lại tốt hơn một chút vì hạn chế được hàm lượng đường từ nho. Theo nghiên cứu của Đại học Barkley (Mỹ), nho khô có khả năng chống oxy hóa gần gấp 3 lần nho tươi. Nguyên do là khi được sấy khô thì các hợp chất bên trong cô đặc lại rất nhiều.
Chính nhờ hàm lượng dinh dưỡng đậm đặc như vậy, các chuyên gia thấy rằng nếu ngâm nho khô với nước sẽ vô cùng có lợi. Lúc này các chất dinh dưỡng sẽ được tiết ra và trở thành dạng lỏng, cho phép cơ thể hấp thụ nhanh hơn và nạp nhiều chất chống oxy hóa hơn các loại thực phẩm khác.
Một khả năng tuyệt vời của nước nho khô chính là nuôi dưỡng gan, hỗ trợ gan đào thải độc tố tốt hơn thông qua nước tiểu. Từ lâu các tín đồ Ayurveda (hệ thống y tế truyền thống của người Ấn Độ) đã sử dụng bài thuốc từ nho khô để làm sạch ruột và gan. Từ đó giúp làn da bớt mụn và sáng mịn, rạng rỡ hơn trông thấy.
Chuyên gia Kathy cho biết, nước nho khô còn sở hữu nhiều lợi ích như sau:
Nước nho khô rất giàu chất chống oxy hóa nên giúp duy trì độ ẩm cho da, làm chậm quá trình lão hóa của da. Thức uống này cũng chứa nhiều axit amin và phytochemical bảo vệ da khỏi tác động xấu của ánh mặt trời. Vitamin A và E có trong nước nho khô cũng giúp làn da của bạn được nuôi dưỡng từ bên trong.
Sắt là một khoáng chất cần thiết với quá trình vận chuyển oxy và sản xuất hồng cầu. Kathy chia sẻ, trong nho khô chứa hàm lượng sắt rất lớn (28g nho khô cung cấp 3% sắt mà cơ thể cần mỗi ngày) nên nước nho khô cũng có tác dụng tương tự. Uống đều đặn sẽ cải thiện các triệu chứng thiếu sắt như mệt mỏi, khó thở, da nhợt nhạt…
Chất xơ không hòa tan trong nước nho khô có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Cụ thể, các thành phần flavonoid có trong nho khô như axit tartaric, tannin và catechin giúp nhuận tràng nên giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa. Từ đó mà hệ tiêu hóa luôn sạch sẽ và khỏe mạnh.
Trong nước nho khô có chứa melatonin có công dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn mà không bị tỉnh giấc giữa đêm. Chưa kể thức uống này cũng giải quyết tình trạng stress oxy hóa do thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ gây ra. Những người khó ngủ nên uống hàng ngày.
Cả nho khô và nước nho khô đều có khả năng giúp giảm cân. Kathy cho hay, nước nho khô hoạt động như một loại prebiotic giúp tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột, từ đó giảm tích trữ chất béo trong cơ thể và hỗ trợ quá trình giảm cân. Trong một nghiên cứu, loại nước này làm giảm 37% nguy cơ béo phì.
Cách làm nước nho khô rất đơn giản chỉ với 2 nguyên liệu cơ bản là nho khô và nước lọc. Theo chuyên gia Kathy chia sẻ, bạn chỉ cần rửa sạch 150g nho khô (khoảng 10 quả) rồi đổ nước vào đun sôi trong 20 phút. Sau đó để nguyên, ngâm trong nước qua đêm. Sáng hôm sau, trước khi ăn sáng hãy lọc nước từ nho khô và uống.
Bạn có thể ngâm nước sôi để nguội với nho khô, nhưng hãy nhớ cắt đôi ra để chúng tiết hết dinh dưỡng ra nước. Loại nước này có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng tốt nhất là uống khi bụng đói. Phần nho khô được ngâm cũng không nên bỏ đi mà ăn luôn hoặc kết hợp với sữa chua, ngũ cốc…
Để nước nho khô được ngon, bạn hãy lựa nho xanh hoặc nho đen, ưu tiên mua các loại có nguồn gốc xuất xứ và nho hữu cơ không thêm đường. Thời gian để loại nước này phát huy tác dụng là 7 ngày. Bạn nên kết hợp thêm với các phương pháp chăm sóc sức khỏe khác để tăng cường lợi ích, ăn uống và tập thể dục điều độ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn