Phiên tòa giả định với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường" tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh do Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM tổ chức trong chương trình Hội trại "Chắp cánh ước mơ" lần thứ 10. Phiên toà giả định đã để lại nhiều cảm xúc khó quên cùng bài học đắt giá cho các em nhỏ và nhiều bậc cha mẹ có mặt tại chương trình.
Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, do có mâu thuẫn từ trước trên mạng xã hội, Trần Phi Công và Huỳnh Minh (cùng sinh năm 2003) hẹn nhau ra sân banh bên cạnh nhà văn hóa thị trấn Tân Túc để nói chuyện. Trước khi đi, Minh hẹn thêm Nguyễn Thanh Sơn cùng Lâm và Khanh (bạn của Minh, cùng sinh năm 2003) cầm cây gậy sắt đi gặp Công.
Khi gặp nhau tại sân banh, Công và Minh xảy ra cự cãi. Minh thách thức: "Có muốn đánh nhau không?". Công trả lời: "Sao cũng được". Lúc này, Sơn lấy cây gậy sắt đánh 2 cái vào đầu Công, khiến Công ngã xuống bất tỉnh. Hậu quả, Công bị thương tích 10%.
Từ các tình tiết diễn ra, HĐXX của phiên tòa giả định đã tuyên bị cáo Sơn phạm tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác". Sơn bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 năm. Sau sự việc, gia đình của bị cáo Sơn đã chi trả tiền viện phí cho bị hại và bồi thường cho bị hại số tiền 50 triệu đồng.
Sau phiên tòa giả định, các luật sư của Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã dành thêm nhiều thời gian để giải thích các vấn đề liên quan đến luật pháp, bạo lực học đường cho các em nhỏ tham gia phiên tòa.
Trong vai người Chủ toạ phiên toà giả định, luật sư Vũ Anh Tuấn, Chi hội Luật sư – Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ các tình tiết diễn ra trong phiên toà, tôi thấy tiếc và buồn khi các em "dính án" ở tuổi đời còn quá trẻ, các em đang là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mọi hành xử còn bồng bột, sẽ ảnh hưởng đến học tập và cả tương lai sau này. Hơn nữa, đáng lên án khi các em không tận dụng những việc tốt của mạng xã hội để học tập, mà áp dụng mạng xã hội để gây hấn và trả thù nhau, dẫn đến việc đánh nhau gây thương tích là một điều đáng tiếc. Lẽ ra các em dùng mạng xã hội để nói những lời hòa giải hiểu nhau hơn thì sẽ tốt cho việc giải quyết những mâu thuẫn bạn bè.
Luật sư Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng: Khi các em học sinh được tham dự phiên tòa giả định, đã chứng kiến mọi tình tiết vụ án, sự việc xảy ra, các em cần nhận thức đừng lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến gây nguy hiểm tính mạng của nhau chỉ vì những xích mích trên mạng xã hội. Vì thế, phụ huynh và thầy cô cũng cần nhắc nhở, dặn dò các em trước những tình huống xấu có thể xảy ra trong khi các em sử dụng mạng xã hội.
"Tôi cũng đặc biệt lưu ý sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và nhà trường phải luôn có sự liên kết chặt chẽ để nắm bắt tình hình học tập của con mình. Khi các em ở trường thì nhà trường phải quản lý chặt chẽ các em trong việc học. Giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi, nắm bắt được tính tình và học lực của từng em để dễ nhận biết khi các em có sai phạm, kịp thời giải toả tâm lý của các em. Thực tế hiện nay ở nhiều nơi, vai trò của nhà trường và gia đình quản lý các em còn lỏng lẻo, chưa có sự quan tâm, kết hợp đúng mực. Dẫn đến, các em có những mâu thuẫn không thể giải quyết được, từ đó mới có sự việc đáng tiếc xảy ra" – Luật sư Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Mong muốn của Hội đồng xét xử, của Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM qua phiên toà giả định này là mong các em học sinh học hành chăm chỉ, nghe lời dậy dỗ của cha mẹ, thầy cô. Đồng thời các em lưu ý, mạng xã hội là mạng ảo, các em phải kiểm chứng các thông tin trên mạng, không tin theo những thông tin trên mạng một cách mù quáng. Các em cần có thái độ cư xử đúng mực trên không gian mạng để tránh những mâu thuẫn không đáng có trong tình bạn. Ngoài ra, gia đình, thầy cô cần giáo dục, hướng dẫn để các em tránh truy cập vào những trang mạng đen, ảnh hưởng đến học tập.
"Tôi cũng mong các bậc cha mẹ không nên vì quá mải lo làm việc, kiếm tiền mưu sinh mà dành quá ít thời gian quan tâm đến con mình. Bởi các em đang ở độ tuổi nhận biết dần cuộc sống, rất cần có cha mẹ, người lớn trong gia đình lắng nghe tâm sự vui, buồn, uất ức, ám ảnh của các con. Từ đó, đưa ra những lời khuyên giúp con vượt qua các vấn đề gặp phải trong học đường, trong cuộc sống. Thay vì cha mẹ chỉ biết la mắng, đánh đập, trách mắng con, khiến các con sợ hãi, giấu bố mẹ và không dám chia sẻ mọi khúc mắc gặp phải hàng ngày với gia đình, người thân" – Luật sư Vũ Anh Tuấn nói.
Luật sư Vũ Anh Tuấn khuyến cáo: Khi phát hiện sự việc bạo lực học đường ở bất cứ nơi nào xảy ra, các em cần báo cho cha mẹ, thầy cô hoặc người giám hộ, người phụ trách ở trường học để có phương án xử lý sớm. Trường hợp nếu người dân phát hiện sự việc thì phải can ngăn, trình báo cơ quan chức năng. Ngoài ra, người dân và các em có thể gọi điện vào tổng đài quốc gia 111 hoặc tổng đài 18009069 của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, hay liên hệ Hội phụ nữ phường, xã, UBND, Công an để được hỗ trợ, giải quyết, sớm ngăn ngừa sự việc đáng tiếc xảy ra cho lứa tuổi học đường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn