Tọa đàm sự tham gia của các đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) và chuyên gia đến từ Công ty Palladium.
DNNVV đã và đang có vai trò là xương sống nền kinh tế, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, các DNNVV do phụ nữ làm chủ vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, vay vốn.
Bà Chu Hồng Minh, Chuyên gia Tài chính cao cấp, Giám đốc dự án, Ngân hàng ADB tại Việt Nam, chia sẻ, bản thân DNNVV đã có những hạn chế, DNNVV do phụ nữ làm chủ còn kèm theo nhiều hạn chế đặc thù: định kiến về giới, cân bằng công việc và gia đình,... Nhưng, mặt khác, cũng là tính chất đặc thù, phụ nữ có thể mang lại nhiều lợi ích khi làm việc cho các tổ chức tín dụng: tính trung thành và trách nhiệm, tỷ lệ tiết kiệm cao, tỷ lệ nợ xấu thấp,...
Vì vậy, các ngân hàng cần nhận thức tầm quan trọng của DNNVV do phụ nữ làm chủ và "thúc đẩy tín dụng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ" là vấn đề cần thiết. Để đạt được điều đó, bà Lê Thanh Tâm, chuyên gia tư vấn Tài chính, Công ty Palladium, bày tỏ hướng đến những mục tiêu sau: thúc đẩy sự phát triển và tăng khả năng tiếp cận tài chính; giảm lãi suất cho vay; khuyến khích không cần tài sản đảm bảo;...
Hiện nay, các chính sách tín dụng tại Việt Nam được đánh giá khá đa dạng, sát sườn với thực tiễn, song, còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, Quỹ phát triển DNNVV hoạt động kém hiệu quả; Hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ còn hạn chế; Thách thức trong việc được hỗ trợ lãi suất;…
Qua khảo sát và đánh giá thực tiễn, các chuyên gia đến từ Công ty Palladium đề xuất khuyến nghị:
Thứ nhất, đối với Ngân hàng Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách: Thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ các ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay; Cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hoạt động hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Xây dựng kiến thức và chuyên môn cho các tổ chức tài chính, tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Thứ hai, đối với các tổ chức tài chính: Theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính ở cấp độ công ty và danh mục đầu tư, đây là điểm khởi đầu cho bấy kỳ doanh nghiệp nào đang xem xét mở rộng sang một thị trường mới; Xây dựng chiến lược riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, bao gồm: đẩy mạnh số hoá và khai thác tốt hơn thông tin khách hàng; xem xét cung cấp các chương trình giáo dục tài chính thiết thực nhằm hỗ trợ khách hàng nâng cao chất lượng hồ sơ tài chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn