Ngân hàng CSXH: Nâng cao năng lực tài chính cho hộ nghèo qua điện thoại di động

16:31 | 06/08/2019;
Sáng nay, 6/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Oxfam tổ chức tọa đàm “Giáo dục tài chính dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua điện thoại di động”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động” với sự hợp tác giữa NHCSXH và Oxfam tại Việt Nam.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, cho biết: Đến thời điểm này, NHCSXH đã có 10.950 điểm giao dịch xã và thực hiện giao dịch định kỳ với 6.586.378 khách hàng đang vay vốn, tại 179.394 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến ngày 31/7/2019, tổng nguồn vốn đạt hơn 210.000 tỷ đồng, với dư nợ là 198.000 tỷ đồng.
 
Bên cạnh việc triển khai các chính sách cho vay, trong những năm qua, NHCSXH đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao kỹ thuật, năng lực tài chính cho người nghèo, các đối tượng chính sách. Với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, NHCSXH phối hợp triển khai sáng kiến nghiên cứu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế tiếp cận thông tin đào tạo về sản phẩm dịch vụ của NHCSXH thông qua ứng dụng điện thoại. Trong đó, ứng dụng cung cấp cho khách hàng những thông tin về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; khả năng chi tiêu tài chính, dự toán ngân sách gia đình…, từ đó nâng cao kiến thức của mình trong lĩnh vực ngân hàng.
 
Thực hiện chương trình này, NHCSXH đã phối hợp với Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình. Trên cơ sở kết quả khảo sát, NHCSXH thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính) với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
 
 
app-giao-duc-tai-chinh-nhcsxh1.jpg
Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam, cho biết: Khi thực hiện chương trình này, đối tượng cốt lõi luôn được quan tâm là phụ nữ, đảm bảo sự tham gia cũng như thụ hưởng chương trình của họ. Chính vì vậy, xuyên suốt các giai đoạn từ thiết kế chương trình đến triển khai đều có sự cân nhắc tới quyền của phụ nữ; đánh giá nhu cầu của những nhóm lao động nữ nhằm đảm bảo được ít nhất 50% đối tượng được khảo sát là phụ nữ ở các chi nhánh NHCSXH tại địa phương. Đến giải đoạn triển khai thí nghiệm chương trình App giáo dục tài chính này cũng đảm bảo có sự nghiên cứu, khảo sát có phân tách giới, nhằm đáp ứng được nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong vay vốn và sử dụng vốn. 
 
Trực tiếp trải nghiệm App giáo dục tài chính, bà Hoàng Thị Lợi, 59 tuổi, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, thuộc thôn Phú An, xã Cao An, (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), chia sẻ: Hiện nay, điện thoại thông minh rất phổ biến, ngay cả ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, số lượng người biết dùng điện thoại để vào internet, mạng xã hội tìm kiếm thông tin ngày càng tăng lên. Từ ngày cài đặt ứng dụng Giáo dục tài chính của NHCSXH đã tạo cho chị em phụ nữ nông thôn nắm bắt thông tin về các chính sách vay vốn ưu đãi dễ dàng, thuận tiện hơn. 
 
Bà Lợi chia sẻ: Ứng dụng có phần về “Kiến thức quản lý tài chính gia đình” với thiết kế các mục tra cứu chứa nội dung ngắn gọn, dễ dàng trong việc thực hiện các thao tác tra cứu, giúp cho mọi đối tượng khi tìm hiểu đều có thể nhanh chóng nắm bắt được nội dung, dễ nhớ. Cạnh đó, còn có thông tin về các chương trình cho vay của NHCSXH, quy trình cho vay, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như các nội dung về giao dịch tại điểm giao dịch xã. “Có thể coi đây như là một cuốn cẩm nang cung cấp thông tin cơ bản hỗ trợ tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn”, bà Lợi nói.
 
app-giao-duc-tai-chinh-nhcsxh2.jpg
Buổi tọa đàm “Giáo dục tài chính dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua điện thoại di động”

 

Theo khảo sát của NHCSXH với 360 khách hàng về giáo dục tài chính qua điện thoại di động tại 3 tỉnh nói trên, có tới 90% khách hàng có đủ nguồn lực và kỹ năng thao tác trên điện thoại di động; trong đó gần 50% khách hàng sử dụng điện thoại thông minh. Có 40,6% khách hàng biết dùng điện thoại để nghe gọi và truy cập ứng dụng đọc báo, xem thời tiết, vào các trang mạng xã hội… Qua đó, có thể thấy xu hướng sử dụng smartphone ngày càng tăng nhanh kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
 
Đặc biệt, qua khảo sát có tới 43,7% khách hàng muốn tiếp cận thông tin về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại NHCSXH và nâng cao kiến thức quản lý tài chính gia đình. Theo ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông (NHCSXH Việt Nam), đây là điều rất thuận lợi để triển khai rộng rãi App giáo dục tài chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận được thông tin, nâng cao năng lực, hiểu biết về tài chính, hiệu quả sử dụng vốn vay, từng bước giúp họ làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
 
Ông Phan Cử Nhân cho biết thêm: Trên cơ sở thí điểm 7 tháng qua đạt được những thành công và vượt mục tiêu ban đầu đã đề ra, NHCSXH tiếp tục hợp tác với Oxfam triển khai giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện hơn nữa App giáo dục tài chính; đồng thời truyền thông, hướng dẫn sử dụng rộng rãi ứng dụng này tới khách hàng trên toàn quốc.
 
Để sử dụng App giáo dục tài chính, người dùng điện thoại smartphone hệ điều hành Androi vào CH Play, và tìm kiếm ứng dụng có tên: “Giáo dục tài chính - Ngân hàng Chính sách xã hội”, tải app về máy và tiến hành cài đặt, sử dụng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn