Cuối ngày 7/10, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) rất đông người tới giao dịch. Một số khách đến rút tiền, số khác đến thăm dò thông tin do tâm lý lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi của mình tại ngân hàng.
Sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông tin cho biết, việc nhiều người dân đến rút tiền trong ngày hôm qua do xuất hiện những thông tin tiêu cực về ngân hàng SCB trên mạng xã hội.
Cơ quan này khẳng định, đang theo dõi sát tình hình, sẽ có giải pháp để ngân hàng SCB hoạt động bình thường và luôn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. "Người gửi tiền không nên rút trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi", Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Ở một động thái khác, sáng ngày 8/10, SCB đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng khoảng 1%/năm và chi trả tiền cho khách hàng bình thường dù lượng khách đông hơn.
Cụ thể, đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%.
Mức lãi suất cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tiết kiệm gửi tại quầy cũng được tăng lên.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của SCB là hơn 760.000 tỷ đồng, ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng hơn 595.440 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 8% ở mức 389.790 tỷ đồng.
SCB nằm trong 3 ngân hàng vẫn chưa lên sàn giao dịch chứng khoán. Trong nửa đầu năm nay, lãi trước thuế của riêng ngân hàng mẹ là 682 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. SCB cũng là một trong những ngân hàng thường trả lãi suất huy động ở mức cao của thị trường trong nhiều năm qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn