Ngân hàng Nhà nước: Ưu tiên vốn cho nông nghiệp, du lịch, hàng không, tiếp tục kiểm soát bất động sản

16:00 | 15/06/2022;
Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 15/6, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 8,16%, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục khá mạnh mẽ.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, ông Tú thông tin trên cơ sở kiểm soát lạm phát, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp, những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… để khôi phục nền kinh tế. Những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không... trong 2 năm qua cũng sẽ được tập trung vốn để có thể sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Còn một số lĩnh vực nhạy cảm có hệ số rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán tín dụng cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát.

Trao đổi với báo giới về việc nới hạn mức tín dụng, ông Phạm Chí Quang - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết biến động giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn cho lạm phát của năm nay và cả năm sau.

Thực tế, để kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2021 đến nay. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành từ năm 2020. Điều này cho thấy chúng ta cố gắng bình ổn mặt bằng lãi suất.

Ông Quang nhấn mạnh việc quản lý hạn mức tín dụng là để đảm bảo kiểm soát lạm phát. Còn nếu để các tổ chức tín dụng tăng tín dụng theo nhu cầu thì áp lực rất lớn đến lạm phát, đồng thời vướng vào vòng xoáy tăng lãi suất huy động, đẩy lãi suất cho vay và nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước: Ưu tiên vốn cho nông nghiệp, du lịch, hàng không, tiếp tục kiểm soát bất động sản - Ảnh 1.

Cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 ngày 15/6.


Đặt lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định về quản lý thị trường vàng

Về vấn đề quản lý thị trường vàng, ông Đào Minh Tú cho biết, hơn một năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá việc kinh doanh vàng, nhu cầu mua bán kim loại này của nhân dân cũng như các thương hiệu vàng trên thị trường hiện nay. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sao cho phù hợp, bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.

Những ngày qua, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã chất vấn về thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước thời gian qua, khi giá vàng trong nước có tình trạng chênh lệch cao với giá vàng trên thị trường thế giới. Đặc biệt, các đại biểu cũng đề cập đến sự độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia - SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn