Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) vừa vận hành hệ thống thanh trùng sữa mẹ của ngân hàng sữa mẹ. Kết quả, mẻ sữa đầu tiên được đưa vào vận hành thử nghiệm đã đạt tiêu chuẩn vi sinh sau thanh trùng.
Từ tháng 3/2016, Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức chấp bút cho khung đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ. Nội dung đề án là cơ sở để các bên đối tác tiềm năng như tổ chức FHI360 (Alive & Thrive), Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế cùng thảo luận cơ hội xây dựng đơn vị ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ.
Để hình thành được ngân hàng sữa mẹ đạt chuẩn quốc tế, Bệnh viện Từ Dũ đã trải qua nhiều giai đoạn từ khảo sát, đánh giá năng lực, tính khả thi, trình độ của đội ngũ nhân viên y tế trong công tác tiếp nhận và ứng dụng các kỹ thuật sàng lọc, kiểm chuẩn, thanh trùng, nguồn sữa mẹ được hiến tặng, truyền thông… cho đến chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, huấn luyện kỹ thuật và xây dựng quy trình hoạt động của thiết bị theo chuẩn mực quốc tế của một ngân hàng sữa mẹ.
Đề án thành lập đơn vị ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ đã được Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đồng tình ủng hộ cao. Tháng 7/2018, Hội đồng Khoa học Công nghệ, Sở Y tế TPHCM đã xem xét, phản biện và nhất trí cao về đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ.
Là bệnh viện sản – phụ khoa đầu ngành của khu vực phía Nam, hàng năm Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận gần 1,1 triệu lượt khám chữa bệnh, 70.000 ca sinh, trong đó có hơn 40% bệnh nhân với nhiều bệnh lý sản - phụ khoa phức tạp được chuyển đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là bệnh viện tuyến cuối chăm sóc và điều trị cho khoảng 25 % trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý - những bệnh nhi đặc biệt cần nguồn sữa mẹ.
Việc ra đời ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TPHCM sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lan tỏa văn hóa nuôi con bằng chính nguồn sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ sơ sinh mà không một loại sữa công thức nào có thể thay thế được.