Bà Bùi Thị Lệ Thủy, Giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội, chia sẻ, ngành du lịch đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên yêu cầu có tài sản thế chấp để vay ngân hàng là vô cùng khó khăn. Theo bà Lệ Thủy, vay thế chấp khó, vay tín chấp cũng gần như bất khả thi bởi ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả kinh doanh.
"Dòng tiền của chúng tôi đang rất tốt nhưng gần như vẫn không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh doanh nghiệp", bà Thủy cho hay.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành có hơn 70% lao động là nữ, chia sẻ hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%, trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang phải vay với lãi suất trung bình khoảng 7% - 9%.
Đặc biệt với ngành sợi, việc tiếp cận tín dụng càng khó khăn hơn. Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024.
Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh, mỗi năm, ngành sợi đang trả nợ ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Nếu ngân hàng giảm hạn mức tín dụng trong bối cảnh ngành sợi đang khó khăn có thể an toàn về vốn ngắn hạn nhưng thực ra mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất thì không có tiền để trả vay dài hạn.
Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 2/2024 của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, ngân hàng có nhiều vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận do không đảm bảo yêu cầu thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Hiện 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
Trong khi đó, công bố Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ hồi tháng 1/2024 cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn.
Ảnh minh họa
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2/2024, tín dụng giảm 0,72% so với cuối năm 2023, trong khi đó, lượng tiền gửi vào ngân hàng còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng, tức tiền nhiều nhưng vốn không thể ra nền kinh tế.
Lý giải điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, bên cạnh việc có doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu... thì vẫn có nhóm khách hàng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là còn một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng, xét duyệt vay do lo ngại nợ xấu tăng, khiến giải ngân thấp.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức mới đây, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, các ngân hàng đang nắm giữ lượng vốn rất lớn và sẵn sàng cho doanh nghiệp vay, song "cần điều kiện cần và đủ" cũng như bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, chia sẻ, mặc dù đã nhiều cuộc họp tìm cách tháo gỡ song đến thời điểm này vẫn tiếp diễn tình trạng ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được. Còn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay thì lại không vay được.
Theo ông Thân, ngân hàng không phải là nơi duy nhất có thể cho doanh nghiệp vay. Chúng ta có rất nhiều nguồn. Ví dụ, chính sách tài khóa của chúng ta hiện nay có những gói cho vay 1%.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể phát huy tối đa hiệu quả của những gói này. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thêm những nguồn để tiếp cận vốn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, minh bạch tình hình tài chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn