Ở mỗi thời đại, người ta sẽ có quan niệm và chuẩn mực về cái đẹp riêng biệt. Có những giai nhân dù đã cách biệt chúng ta hàng thập kỉ, thế nhưng mỗi khi ngắm nhìn lại hình ảnh của họ năm xưa, công chúng vẫn không khỏi mê mẩn và đắm say. Nhắc tới những cái tên đại diện cho hương sắc thập niên xưa cũ phải đề cập đến nhóm "Tứ đại mỹ nhân Sài Thành" dưới đây.
Bà tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng nhưng sau đó theo cha vào An Giang sinh sống. Thẩm Thúy Hằng được xem là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970.
Kể cả bây giờ phái nữ có chạy theo mốt cằm Vline, góc mắt to tròn hay mũi cao sọc dừa thì khi ngắm nhìn những thước hình đen trắng của nữ diễn viên cũng phải thốt lên 2 tiếng "Đẹp quá!".
Nhan sắc và tên tuổi của bà khi ấy đã vươn tới tầm châu lục trở thành một tượng đài lớn, một đẳng cấp mà cho tới nay chưa diễn viên nào ở Việt Nam chạm tới. Ở những liên hoan phim lớn tại Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc,... Thẩm Thúy Hằng đều có mặt. Bà tham gia rất nhiều phim hợp tác với các nước Mỹ, Philippines, Thái Lan,...
Không chỉ sở hữu những đường nét đậm chất Á Đông là đôi mắt to tròn, sống mũi cao, cánh mũi dày và đôi môi mọng, Thẩm Thúy Hằng còn sở hữu sắc vóc quyến rũ.
Tên khai sinh của bà là Nguyễn Thị Chinh. Bà sinh năm 1937 tại Hà Nội nhưng lại phát triển sự nghiệp và nổi tiếng tại miền nam Việt Nam trước năm 1975. Cũng như là một trong bốn mỹ nhân đình đám ở Sài Gòn những năm trước 1975, Kiều Chinh gây ấn tượng với nhiều người bởi vẻ đẹp khá hiện đại.
Vẻ đẹp của bà mang chất cá tính với những đường nét không lẫn vào đâu được. Xưa kia Kiều Chinh cũng theo mốt làm tóc phi dê, kẻ lông mày lá liễu và tô son tràn viền.
Bà sở hữu những đường nét sắc lẹm với đôi mắt biết nói của 1 minh tinh màn ảnh. Cộng thêm sự tài tình trong diễn xuất đã giúp bà xây dựng được khối tài sản phim khổng lồ lên tới 100 tác phẩm. Đến bây giờ, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể tại Hollywood.
Những năm tháng tuổi già, bà vẫn giữ được nét cương nghị và hiện đại của thời trẻ.
Bà sinh năm 1937 và được mệnh danh là một kỳ nữ của làng sân khấu kịch nói miền Nam lúc bấy giờ bởi không chỉ thu hút khán giả bằng tài năng diễn xuất mà còn bằng nhan sắc mặn mà của mình.
Không mang đường nét "hoa hậu" như Thẩm Thúy Hằng hay vẻ hiện đại, mạnh mẽ như Kiều Chinh, Kim Cương lại mang một nét đẹp đậm chất kịch.
Nàng "kỳ nữ" của ngày thường lại mang một vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch của những cô nữ sinh thời chiến với mái tóc uốn phi dê, đôi môi chúm chím trong tà áo dài.
Nhưng thực sự, nhan sắc của bà được đẩy lên đỉnh cao khi trang điểm và làm tóc như các nghệ sĩ kịch. Dù lối make up có pha chút kịch, trào phúng với hàng lông mày kẻ xếch cùng đôi mắt vẽ liner đậm thế nhưng đó mới thực sự đem đến chất riêng cho vẻ đẹp của Kim Cương.
Bà tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga sinh năm 1942 tại Tây Ninh. Thanh Nga cũng là bạn thân của NSND Kim Cương và NSƯT Thẩm Thúy Hằng, tuy nhiên con đường nghệ thuật của NSƯT Thanh Nga lại tỏa sáng trong lĩnh vực sân khấu cải lương.
Thập niên 1960-1970, nhắc đến Thanh Nga, có thể nói là không ai không biết đến tên tuổi của bà với nhan sắc và tài năng thuộc hàng bậc nhất ở Sài Gòn. Nét đẹp sang trọng, quý phái và đậm chất Á Đông của bà luôn khiến những người mộ điệu phải trầm trồ khen ngợi.
Thanh Nga đã được công chúng ưu ái dành tặng cho danh hiệu "nữ hoàng sân khấu". Tuy nhiên, kể cả khi không khoác lên người những bộ cánh lộng lẫy mà chỉ áo dài trắng nền nã, bà cũng khiến bất kì ai "lịm tim" vì vẻ đẹp của mình.
Năm 1978, sự ra đi bất ngờ của vợ chồng Thanh Nga sau một vụ sát hại đã để lại niềm thương tiếc cho rất nhiều khán giả ái mộ bà. Cho đến tận bây giờ, khi nói đến NSƯT Thanh Nga, công chúng vẫn nhắc đến bà như một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn bậc nhất trong làng nghệ thuật sân khấu miền Nam.
Từ những hình ảnh trên có thể thấy "Tứ đại mỹ nhân" đều sở hữu vẻ đẹp riêng biệt không lẫn vào đâu được. Thế nhưng, một điểm chung xuyên suốt mà những người đẹp thập niên 1950 đến 1970 thường áp dụng là những bí kíp làm đẹp thức thời.
Có lẽ không cần nói quá nhiều về độ hot của mái tóc này vào những thập niên xưa cũ nữa. Nếu như thời nay, chị em lăng xê mốt uốn xoăn sóng to thì ngày xưa, với công nghệ hạn hẹp thì kiểu uốn xoăn thôi đã là cuộc cách mạng tân thời. Mái tóc lúc nào cũng được uốn sát chân tóc, tóc càng bồng bềnh, càng dày lại càng đẹp.
Tóc phi dê mặc với đầm xòe hay áo dài cũng đều đẹp và mốt.
Phấn mắt thời ấy được lăng xê hết mực với gam màu xanh lá và xanh biển, còn đôi môi sẽ được tô son gió - loại son chứa nhiều dưỡng, nhưng cứ ra gió lại càng đỏ.
Bên cạnh đó, không thể kể thiếu lối cạo lông mày lá liễu và xu hướng xăm mí mắt cho đôi mắt có chiều sâu và cuốn hút. Tuy nhiên, lối xăm mí mắt dưới giờ đây không được áp dụng nữa vì khi về già sẽ bị trùng da, đôi mắt sẽ trở nên nhem nhuốc, vô hồn.
Khi công nghệ chưa phát triển thì các bóng hồng cũng phải khéo léo tận dụng các loài hoa, lá hái được trong vườn mà áp dụng làm sản phẩm dưỡng da. Tất nhiên, các người đẹp đều được đi đây đi đó và "xách tay" về những lọ sáp nẻ đắt đỏ hay chai nước hoa hiệu thơm nức nhưng độ phổ biến không thể đọ lại bằng "cây nhà lá vườn".
Các chiêu thức làm đẹp 0 đồng nhưng hiệu quả có thể kể đến như rửa mặt với nước vo gạo, xông mặt với hỗn hợp lá (lá sả, hương nhu, tía tô, chanh, muối), gội đầu với bồ kết, tắm với hoa tươi,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn