Ngăn ngừa sự “bén rễ” của tội phạm bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc - Bài 1: Nhận diện những thủ đoạn

08:00 | 15/10/2023;
Qua một số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, hung thủ không chỉ là đối tượng lạ mặt mà còn là người quen với gia đình nạn nhân. Để ngăn ngừa sự “bén rễ” của loại tội phạm này, chúng ta cần phải làm gì?
Hai tháng, 3 vụ bắt cóc táo tợn

Trong 2 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra liên tiếp 3 vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc với những thủ đoạn tinh vi, manh động. Cụ thể, vào ngày 2/10 vừa qua, đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, trú tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã bắt cóc một bé gái 3 tuổi để đòi tiền chuộc. Theo đó, Sơn đã thuê xe ô tô di chuyển đến trường mầm non để đón con trai và đón luôn một bé gái 3 tuổi (con của một người bạn). 

Do trước đó, Sơn cũng hay đón bé gái này nên người trông trẻ đã tin tưởng, giao bé gái cho Sơn mà không mảy may nghi ngờ. Sơn di chuyển về nhà riêng, nhờ người thân trông giữ con trai còn bản thân dẫn theo cháu bé đi Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi di chuyển, đối tượng đã nhắn tin cho bố mẹ bé gái và yêu cầu họ phải chuyển cho gã số tiền 2 tỉ đồng nếu không sẽ làm hại cháu bé. 

Sau khi nhận được số tiền gần 1 tỉ đồng được người nhà cháu bé chuyển vào tài khoản ngân hàng, Sơn đưa bé gái vào một khách sạn có địa chỉ tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) rồi tiếp tục đón xe khách để di chuyển về tỉnh Lâm Đồng. Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn đã bị cảnh sát bắt giữ tại địa bàn tỉnh Đồng Nai vào tối 2/10. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng này.

Trước đó, ngày 14/8/2023, đối tượng Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, trú huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng đã thực hiện hành vi bắt cóc cháu bé 7 tuổi để đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc. Vụ việc xảy ra tại khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).

Ngăn ngừa sự “bén rễ” của tội phạm bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc  Bài 1: Nhận diện những thủ đoạn - Ảnh 1.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Cục truyền thông, Bộ Công an)

Vào buổi chiều ngày 19/9, Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã bắt cóc một bé gái đang học tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội). Sau khi thực hiện hành vi trên, Trang đã liên hệ với gia đình cháu bé để đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc. Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều, sợ lộ nên Trang đã ra tay sát hại cháu bé, sau đó Trang cũng đã tự sát.

Phân tích tâm lý tội phạm

Trong 3 vụ án bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc nêu trên, các đối tượng gây án đều bị bắt giữ hoặc lâm vào bước đường phải tự kết liễu sinh mạng của bản thân, số tiền các đối tượng chiếm đoạt của gia đình các bị hại cũng được thu hồi. 

Căn cứ vào kết quả điều tra cho thấy, cả ba đối tượng trước khi gây án đều có công ăn việc làm ổn định, chưa có tiền án, tiền sự nhưng gặp phải những vấn đề về tài chính. Đây được xác định là nguyên nhân chính khiến các đối tượng gây án.

Theo thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Cục truyền thông, Bộ Công an), qua nghiên cứu, tổng kết thực tế cho thấy, thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Các đối tượng có thể sử dụng những "chiêu thức" như: Phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng). 

Sau đó, đối tượng tìm cách tiếp cận, làm quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng; giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu mẫu giáo, học sinh để đưa đi.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, không ngoại trừ trường hợp các đối tượng thực hiện bắt cóc chính con, em, cháu ruột của đối tượng để tống tiền người thân. Đối tượng lợi dụng quen biết với gia đình, với trẻ, đón lõng các cháu trên đường đi học về, rủ đi chơi, xin đi nhờ… rồi bắt cóc tống tiền. 

Trước khi gây án, đối tượng luôn xác định mục tiêu, thường là nhằm vào các gia đình giàu có, khá giả. Chúng sẽ tiến hành nghiên cứu, thăm dò thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình nạn nhân, nhận mặt đứa trẻ muốn bắt, theo dõi hành trình di chuyển của bé… để lên kịch bản, phương án tiếp cận gây án. 

Khi bắt cóc, chiếm đoạt được đứa trẻ, chúng bố trí nơi giam giữ, tổ chức canh gác con tin rồi tính toán biện pháp liên lạc về gia đình nạn nhân để đưa yêu sách về tiền, tài sản. Với những vụ phạm tội có tính chất cơ hội, nhất thời bột phát, kẻ phạm tội thấy điều kiện thuận lợi như trẻ em đi một mình ngoài đường, không có người lớn trông nom, chúng tiếp cận dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực khống chế rồi chở đi. 

Đến nơi giam giữ chúng mới truy hỏi nạn nhân về gia đình, lấy số điện thoại của cha mẹ đứa trẻ để gọi tống tiền. Trong những vụ án loại này, thủ phạm có thể chỉ là một đối tượng. Để đảm bảo không bị gia đình nạn nhân tố cáo, trình báo với cơ quan công an, các đối tượng thường gây áp lực tinh thần với cha mẹ của trẻ, bằng cách đe dọa nếu báo công an sẽ sát hại hoặc gây tổn thương cho nạn nhân.

Phân tích tâm lý của loại tội phạm bắt cóc, đòi tiền chuộc, thượng tá Hiếu nhấn mạnh đặc thù của loại tội phạm này là hành vi phạm tội kéo dài và có thể chia thành 2 giai đoạn: Khi tội phạm thực hiện việc bắt giữ trẻ em và quá trình giam giữ thương lượng đòi tiền chuộc. Chúng thường sử dụng sim rác trong giao dịch, liên tục thay đổi địa điểm giao tiền. 

Thông thường chúng sẽ yêu cầu để tiền tại các địa điểm công cộng chứ không trực tiếp gặp gia đình nạn nhân để nhận tiền, vì sợ bị bắt. "Nếu phát hiện sự việc đã được trình báo với công an, chúng có thể sẽ có những hành động manh động như làm hại con tin rồi bỏ trốn. 

Sau khi bắt được con tin, nếu đứa trẻ khóc lóc, giãy giụa, la lối làm cho chúng cảm thấy có nguy cơ bị lộ thì khả năng cao các đối tượng sẽ sát hại nạn nhân, đem xác đi giấu nhưng vẫn gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân", thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Bài sau: Cần làm gì khi người thân bị bắt cóc?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn