Ngân sách bảo vệ môi trường cao nhưng sử dụng kém hiệu quả

17:11 | 29/10/2018;
Ngày 29/10, một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 cho rằng, chi phí ngân sách cho bảo vệ môi trường không hề thấp nhưng hiệu quả mang lại quá dàn trải, kém hiệu quả.

Phát biểu vào chiều nay, 29/10, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho hay, theo quy định, các khoản chi bảo vệ môi trường phải có trong dự toán và cơ sở dự toán, nguồn chi bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành do Bộ ngành dự toán gửi cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp, báo cáo.

Bà Khánh dẫn chứng số liệu, Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra con số không nhỏ về ngân sách bảo vệ môi trường trong năm 2018 là 2.100 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, ngân sách tăng lên 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là phục vụ tuyên truyền, văn bản pháp luật.

 

quc-khanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội) quan tâm đến sử dụng ngân sách cho bảo vệ môi trường 

“Chi phí này nhiều năm qua còn dàn trải. 33 bộ, ngành cơ quan Trung ương, mỗi cơ quan chỉ nhận được một ít như Hội Người cao tuổi nhận hơn 1,1 tỷ đồng. Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh hơn 1 tỷ đồng. Nhóm cao nhất là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hơn 60 tỷ đồng hay Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng là những cơ quan sử dụng nhiều”, bà Khánh nói.

Điều đáng nói ở đây, theo nữ Đại biểu này là việc xử lý môi trường năm qua còn rất kém, chưa tương xứng với ngân sách bỏ ra, đặc biệt là trong việc xử lý nước thải.

to-lich.jpg
Ảnh minh họa

 

“Còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Không chỉ riêng Hà Nội mà cả 5 tỉnh đồng bằng Bắc bộ cũng bị ảnh hưởng. Dù đã chất vấn nhiều nhưng khi tiếp xúc cử tri vẫn nhận được phản ánh chưa thấy có tác dụng gì, vẫn ô nhiễm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người dân”, đại biểu Quốc Khánh dẫn chứng.

Từ thực trạng trên, đại biểu Quốc Khánh kiến nghị các Bộ, ngành rà soát lại cơ cấu mục chi với bảo vệ môi trường theo nguyên tắc duy trì hỗ trợ các đoàn thể để các đơn vị này làm nhiệm vụ tuyên truyền tới người dân thay vì làm công tác tuyên truyền phát tờ rơi như hiện nay. Đặc biệt, cần xem xét cắt giảm tuyên truyền quảng cáo, gây lãng phí, tập trung nguồn tiền cho những đầu việc khác.

Cũng liên quan đến ngân sách bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (đoàn Bình Định) cho rằng, ngân sách bảo vệ môi trường của Chính phủ chi theo hướng tăng. Tới đây, cần lưu ý thực hiện đúng quy định khoản tăng thu này, chủ yếu cho công tác môi trường, trong đó chú ý vệ sinh môi trường nông thôn, hiện tại rất xuống cấp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn