Mới đây, Bộ GD-ĐT đã đưa ra danh sách 12 ngành đào tạo trình độ đại học (ĐH) có nhu cầu cao về nhân lực. Danh sách thuộc 2 lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin; Du lịch, Khách sạn, Thể thao và Dịch vụ cá nhân.
Thông tin chi tiết, độc giả có thể xem TẠI ĐÂY.
Với lĩnh vực máy tính, ngành học top đầu vẫn là Khoa học máy tính. Nói về ngành học này, chia sẻ trên báo Dân Trí, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng cho hay có 12 nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực trong giai đoạn 2022-2032. Trong đó, đứng đầu vẫn là ngành khoa học máy tính và công nghệ. Theo ông, công nghệ là ngành dẫn dắt kinh tế thế giới trong thập kỷ này.
Với những học sinh, sinh viên đang muốn theo đuổi ngành Khoa học máy tính thì có thể tham khảo các thông tin sau:
Đây là ngành học dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu chuyên sâu về CNTT, khả năng tính toán của hệ thống máy tính.
Khi theo học, sinh viên sẽ có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.
Ngoài ra, sinh viên có các kiến thức về hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…
Sinh viên được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu như: Định hướng kỹ nghệ phần mềm; Định hướng hệ thống thông tin; Định hướng Khoa học dữ liệu và Định hướng trí tuệ nhân tạo (TTNT).
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Khoa học máy tính có thể đảm nhận các công việc sau:
- Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển, nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
- Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…
- Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các HTTT cho các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.
- Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; Kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
- Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điều khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông… Kỹ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…
Mức lương ngành Khoa học máy tính phụ thuộc vào vị trí, địa điểm làm việc cũng như năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, đây được đánh giá là ngành học có mức lương "hấp dẫn". Một số thống kê cho thấy, 98% sinh viên của ngành có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Càng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, lên tầm chuyên gia thì mức lương bạn nhận được sẽ càng cao. Thực tế có những chyên gia giàu kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng.
Hiện tại, bạn có thể học ngành Khoa học máy tính tại các trường sau:
- Đại học Bách khoa
- Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên
- Đại Học FPT
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Công nghệ Hà Nội
....
Năm 2021, ngành Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội lấy điểm chuẩn cao ngất ngưởng - 28,43 điểm. Năm 2020 điểm chuẩn ngành này lên tới 29,04 điểm. Nếu muốn theo học ngành hot này tại Đại học Bách khoa Hà Nội, học sinh cần phải có năng lực học tập thật sự xuất sắc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn