Ngành khoa học cơ bản: Điểm chuẩn thấp vẫn “khát” người học

18:50 | 15/10/2021;
Dù điểm chuẩn đầu vào đã hạ xuống mức tối thiểu nhưng nhiều ngành khoa học cơ bản vẫn rơi vào tình thế “đỏ mắt” tìm người học. Nhiều ý kiến cho rằng, để hấp dẫn người học, ngoài việc nhà trường chủ động thay đổi cách thức đào tạo, Nhà nước cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp và chính sách thu hút nhân lực đối với những ngành “xương sống” của đất nước.

Người học thiếu "mặn mà"

Dù hiện tại các trường đại học đã tuyển đủ và chuẩn bị cho năm học mới, song nhóm trường có ngành khoa học cơ bản vẫn loay hoay tuyển bổ sung. Tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù điểm chuẩn vào trường tăng ở một số ngành nhưng riêng khối ngành khoa học cơ bản như: Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học vẫn chỉ ở mức 6 điểm/môn. Mùa tuyển sinh năm ngoái, tình trạng này cũng diễn ra. Thống kê năm 2020 của Bộ GD&ĐT cho thấy, có 5 nhóm ngành là: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường có số lượng thí sinh nhập học thấp, với tỷ lệ tương ứng là: 41,43%, 43,91%, 49,98%, 54,43% và 65,28%.

Các nhóm ngành cơ bản của trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cũng có mức điểm chuẩn 5 điểm/môn. Đây cũng là tình trạng chung của các trường ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi... Theo thống kê của trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, sau đợt xét tuyển thứ nhất, vẫn còn nhiều ngành thiếu chỉ tiêu. Hiện nhà trường đang thông báo xét tuyển bổ sung khoảng 15% - 20%, tương đương 200-300 chỉ tiêu, cho các ngành như: Quản lý tài nguyên rừng, Lâm sinh, Quản lý đất đai, Du lịch sinh thái, Thú y, Công nghệ chế biến lâm sản, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật.

Ông Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, những năm gần đây, ngành khoa học cơ bản, nông, lâm nghiệp khó tuyển sinh. Khoảng 3 - 4 năm gần đây, hầu như các trường tuyển không đủ chỉ tiêu; có năm chỉ tuyển được 40% - 50%. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc Nhà nước chưa thực sự quan tâm hoặc có chính sách ưu tiên với những người làm trong lĩnh vực này", ông Đồi cho biết.

Cần đổi mới từ chương trình học đến chính sách đãi ngộ

Một số chuyên gia cho rằng, nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành khoa học cơ bản. Minh chứng bằng việc các chính sách về lương hay vị trí việc làm đối với những ngành này vẫn chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao. Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), trước hết cần thay đổi cách thức đào tạo, theo hướng từ đơn ngành sang liên ngành, tích hợp để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. "Đơn cử như kỹ sư cơ khí không chỉ biết thiết kế mà còn cần kiến thức về nhân văn, quản lí dự án, kinh tế kĩ thuật... Đào tạo liên ngành sẽ giúp người học phương pháp tư duy, cách học, tự học và cơ hội việc làm sẽ không bị bó hẹp", ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Bên cạnh đó, các trường cần chủ động trong việc đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp thị. TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến chính sách về thị trường lao động có sự thích ứng với vấn đề lương, đãi ngộ của doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng, nhà nước cần có định hướng bằng chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho các nhóm ngành kĩ thuật, khoa học đặc thù. Bởi người học là đăng ký học tự nguyện. Nếu thấy chính sách phù hợp, nhà nước đang cần nguồn nhân lực, cơ hội việc làm rộng mở thì thí sinh sẽ tự tìm đến. Thí sinh đã thực tế hơn nên xu hướng lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản khi ra trường khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp. "Nhà trường không nên ngồi chờ thí sinh nữa mà phải chủ động thay đổi, nhất là trong việc truyền thông hướng nghiệp, tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường", ông gợi mở.

Một vấn đề quan trọng nữa mang tầm chiến lược, theo TS. Lê Viết Khuyến là Nhà nước cần đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai. Theo đó, cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể "đón đầu" được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực. "Việc này cần có sự vào cuộc của liên bộ, ngành, từ đó công khai rộng rãi cho toàn xã hội và thí sinh tham khảo dự báo nhu cầu nhân lực", ông nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn