Bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ giữa tử tù Côn Đảo - chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức gặp lại mẹ đầy xúc động trong ngày chiến thắng. |
Mãi đến chiều hôm đó chúng tôi mới về đến Sài Gòn. Những người lính từ trong rừng sâu lâu ngày, mặt mũi xanh xao, nay về giữa Sài Gòn hoa lệ, cái gì cũng lạ.
Thanh niên áo chẽn quần loe, nữ sinh áo dài trắng, chen lấn giữa đám người cởi trần chỉ có quần đùi xà lỏn. Họ là lính ngụy, là những người thất trận, cởi hết quần áo rằn ri vì sợ rằng những bộ quần áo “ngụy quân” ấy biết đâu lại thành mục tiêu của những cây súng đang lăm lăm trên tay "mấy anh giải phóng".
Tất cả nhốn nháo, hò hét, vẫy chào xe của bọn tôi.
Tôi không biết họ đang nghĩ gì về chúng tôi. Họ mừng? Họ sợ? Họ yêu? Hay họ ghét? Họ vẫy cờ hoa chào đón. Họ vui mừng thật không? Lòng tôi xốn xang khó tả. Nhưng trên tất cả là niềm hạnh phúc thấy mình là người chiến thắng.
Tôi đứng trên xe, rất cao, cũng vẫy chào lại mọi người đang hò reo. (Khi đó tôi là phóng viên, tôi chụp nhiều ảnh nhưng chỉ còn giữ lại được tấm ảnh này. Không nhớ đây là chỗ nào của Sài Gòn). Chúng tôi, xe này vẫy xe kia, gọi nhau í ới: “Thắng rồi, sống rồi chúng mày ơi!”.
Và, không hiểu sao tôi buột miệng gọi mẹ: “Mẹ ơi, thắng rồi! Mẹ ơi, con sẽ về, con sẽ gặp mẹ!”. Tôi òa khóc như một đứa trẻ nhớ mẹ, khóc vì sung sướng, khóc vì nhớ thương.
Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang |
“Mẹ ơi, con sẽ về”, đó là câu nói cuối cùng tôi nói với mẹ tôi khi mẹ tiễn tôi ra đầu làng. Suốt những năm trong rừng sâu Nam bộ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi tóc bạc lưng còng tiễn tôi ra đi hôm đó.
Mẹ khóc sụt sùi, đến đầu làng thì mẹ khóc òa và ôm tôi vào lòng. Mẹ đã ôm tôi vào lòng cả cuộc đời, có thể đây là lần cuối nên mẹ mới ôm chặt đến thế. Cả làng tôi bao người ra đi đã có ai trở về đâu. Anh trai tôi cũng ra đi không về.
Chiến tranh còn kéo dài bao nhiêu năm nữa? Mẹ tôi còn sống bao nhiêu năm nữa? Rồi tôi có sống sót mà về không? Phải chăng đây là lần cuối mẹ nhìn thấy con trai mình? Tôi thương mẹ mà khóc theo. Tôi chỉ biết lặp đi lặp lại đúng một câu: “Mẹ ơi, con sẽ về!”.
Tôi ra đi không dám ngoái đầu nhìn lại, chỉ nghe văng vẳng tiếng nấc của mẹ phía sau. “Mẹ ơi! Tổ quốc ơi!”. Hình như có âm thanh như vậy xen lẫn trong nhịp thở.
Quân giải phóng hướng từ Hóc Môn tiến vào trung tâm Sài Gòn qua đường Trương Minh Giảng. Ảnh: Nguyễn Đạt |
Những năm tháng ở chiến trường không có tin tức gì, không biết mẹ còn hay mất. Mà mẹ cũng không biết tôi mất hay còn.
Bao nhiêu đêm nằm mơ thấy mẹ, bao nhiêu lần bùi ngùi nhớ mẹ, nhớ hình ảnh tóc bạc lưng còng đứng đầu làng nhìn theo bóng con đi xa. Lá thư đầu tiên từ Sài Gòn là thư cho mẹ, báo tin mình vẫn sống.
Cuối năm đó tôi được về gặp mẹ. Mẹ ngắm tôi từ đầu đến chân, vui trào nước mắt làm tôi nhớ đến những giọt nước mắt ngày mẹ tiễn tôi ra đi. Bà con làng xóm kéo đến chúc mừng vui như hội.
Tôi được nghe mọi người kể rằng mẹ đã lập bàn thờ cho tôi khi có tin đâu đó nói rằng tôi đã hy sinh. Chuyện cứ như chuyện đùa vui nhưng tôi hình dung nỗi đau của người mẹ khi cầm nén hương cầu khẩn cho hương hồn con mình.
Khoảng 14h chiều 30/4/1975 trước dinh Độc Lập. Ảnh: Nguyễn Đạt |
Mới đó đã hơn 40 năm, mẹ tôi đã đi xa. Nhớ ngày chiến tranh kết thúc, nhớ mẹ vô cùng! Nếu biết tôi đã là một nhà ngoại giao của một quốc gia chiến thắng, chắc mẹ vui lắm!