Ngày của Mẹ: Trong trái tim luôn có hình bóng mẹ

08:27 | 14/05/2023;
Giờ đây, nữ điệp báo Lê Thị Xuân Uyên đã rời "cõi tạm" gần 30 năm. Trung tướng - Tiến sĩ Lê Chi cũng đã sang tuổi 62 nhưng trong trái tim ông luôn có hình bóng mẹ.

Trong căn hộ nhỏ dưới tầng hầm của một biệt thự Pháp cổ, số 54 Quán Sứ (Hà Nội), nơi trước đây gia đình cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh (tác giả ca khúc bất hủ "Mười chín tháng Tám") và nữ điệp báo Công an Hà Nội Lê Thị Xuân Uyên sinh sống, Trung tướng - Tiến sĩ Đỗ Lê Chi, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an, kiêm Viện trưởng Viện chiến lược Công an, tỉ mỉ lau dọn lại bàn thờ, lần giở từng tấm hình cùng kỷ vật của bố mẹ. Đứng thật lâu bên di ảnh của mẹ, đôi mắt người con rưng rưng bởi bao kí ức dội về.

Trung tướng Đỗ Lê Chi bộc bạch, mẹ là miền ký ức thiêng liêng nhất, luôn vẹn nguyên trong trái tim mình. "Mẹ tôi là con gái Hà Nội, đẹp nổi tiếng, từng được mệnh danh là "Hoa khôi Việt Bắc" nhưng ẩn trong vẻ đẹp mềm mại đó là trái tim và ý chí kiên cường của một nữ điệp báo Công an. 

Trung tướng Đỗ Lê Chi: “Đặc ân lớn nhất cuộc đời tôi là được làm con của mẹ” - Ảnh 1.

Nữ điệp báo Công an Hà Nội Lê Thị Xuân Uyên

Anh em chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ, sự dịu dàng của mẹ nhưng cũng được bồi đắp lòng quả cảm, ý chí mạnh mẽ, vững vàng của mẹ. 19 tuổi, bà đã đứng đầu một tổ điệp báo nữ hoạt động ngầm nắm tình hình địch trong nội thành, ngay khi Pháp tấn công vào Hà Nội năm 1946. Bà bị bắt khi vừa tròn 20 tuổi và bị giam tại nhà tù Hoả Lò. 

Hình ảnh mẹ bị giặc tra tấn tàn bạo ở Hỏa Lò và vượt qua đòn thù để trung thành với Cách mạng ám ảnh tôi nhiều nhất trong đời; cho tôi cảm xúc yêu thương mẹ như một người đồng đội lớn tuổi và cả lòng can đảm, bản lĩnh vượt qua thử thách trong nghề", Trung tướng Đỗ Lê Chi nhớ về mẹ.

Giờ đây, nữ điệp báo Lê Thị Xuân Uyên đã rời "cõi tạm" gần 30 năm. Trung tướng Lê Chi cũng đã sang tuổi 62 nhưng trong trái tim ông luôn có hình bóng mẹ. Ông kể, bao năm qua, cứ đến ngày mất của mẹ, ông lại lặng lẽ ở một nơi nào đó khóc thầm gọi "Mẹ ơi!". 

"Với tôi, mẹ không chỉ là bậc sinh thành mà còn là người thầy vĩ đại nhất. Bà là người cho tôi ý nghĩa cuộc sống, hun đúc cho tôi bản lĩnh làm nghề, lòng tận trung vì nghĩa cả", ông nói.

Tôi hiểu, Trung tướng Lê Chi nói vậy là có nguyên do: Khi ở ngưỡng cửa cuộc đời, ông hào hứng muốn theo nghề địa chất để thỏa chí bay nhảy tới những miền đất mới nhưng mẹ ông khuyên con: "Vào ngành Công an cho thành người!". 

Trung tướng Đỗ Lê Chi: “Đặc ân lớn nhất cuộc đời tôi là được làm con của mẹ” - Ảnh 2.

3 người con của nữ điệp báo Lê Thị Xuân Uyên. Trung tướng Đỗ Lê Chi ở giữa

Tựu trường Đại học An ninh được ít hôm, do không chịu nổi kỉ cương của ngành, cậu sinh viên Đỗ Lê Chi khi ấy đã… bỏ về, đòi bố mẹ cho đổi nghề. "Mẹ giận lắm. Bố cho tôi cái bạt tai. Tôi đành lủi thủi vào trường. Tôi bước đi, phía sau là những giọt nước mắt của mẹ. Cuộc đời tôi bắt đầu định hình từ những giọt nước mắt ấy của bà", Trung tướng Lê Chi trải lòng.

Nữ điệp báo Lê Thị Xuân Uyên có 3 người con trai thì hai con đi theo bước chân của mẹ là Trung tướng Đỗ Lê Chi và người anh là Thiếu tướng - PGS.TS Đỗ Lê Châu (đã mất năm 2016 vì trọng bệnh). Khi lăn lộn với nghề, phải đối mặt với kẻ thù, Trung tướng Lê Chi càng nể phục ý chí kiên cường của mẹ mình. 

Ông kể: "Mỗi khi phải đứng trước tình thế "một mất một còn", tôi lại thầm khấn "Mẹ ơi, con xin mẹ cho con có được bản lĩnh như mẹ để vượt qua... Và kỳ lạ thay, cứ mỗi lần như thế, như được tiếp thêm sức mạnh, tôi lại vượt qua được tất cả".

Gần 30 năm không có mẹ ở bên nhưng trong trái tim, Trung trướng Lê Chi luôn đinh ninh lời dặn dò lúc mẹ ông bệnh nặng: "Sống trên đời, mình không thể chỉ sống cho mình. Công việc của con âm thầm nhưng có ý nghĩa lớn. Mỗi việc con làm tốt đều có ý nghĩa cho cộng đồng, cho đất nước, cho nhân dân. Con luôn cần rèn luyện mình để có hiểu biết tốt, tấm lòng tốt và bản lĩnh tốt để đi đến cuối con đường". 

Với trung tướng Lê Chi, đặc ân lớn nhất của cuộc đời ông là được làm con của mẹ Lê Thị Xuân Uyên. Thông điệp mẹ trao truyền lúc cuối đời, ông đã, đang và mãi mang theo. Mỗi khi thắp hương nhớ mẹ, nhớ đến lời dặn dò của mẹ, ông lại thầm hứa với mẹ mình rằng: "Con sẽ đi đến tận cuối con đường mẹ và anh để lại...".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn