Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với anh chị chính là 2 cô con gái ngoan ngoãn, xinh xắn. 4 năm yêu nhau, 13 năm chung sống, mỗi ngày, hai vợ chồng chị cùng nỗ lực vun đắp hạnh phúc. Chị Hồng Lam cho biết, không chỉ anh anh Trần Quang Minh mà cả gia đình bên nội đều không coi trọng việc "sinh con trai nối dõi".
"Con gái đầu lòng của chúng tôi đã 12 tuổi, còn bé gái thứ hai được 6 tuổi và chúng tôi không có ý định sinh thêm con. Anh Minh rất yêu các con và các con cũng quấn quýt bố. Cái cảm giác "khát" con trai không hề có trong gia đình mình", chị Hồng Lam chia sẻ.
Đồng quan điểm với vợ, anh Trần Quang Minh xác nhận: "Chúng tôi đã vượt qua quan niệm lỗi thời, dừng lại ở hai con để nuôi dạy con tốt. Được sự dạy dỗ chu đáo của bố mẹ nên các con yêu thương nhau, nhường nhịn, bảo ban nhau học tập, chăm ngoan. Con trai hay gái đều tốt, nuôi con khỏe, dạy con ngoan mới là phúc lớn nhất của gia đình".
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, ước tính mỗi năm khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.
Bà Naomi Kitahara cho rằng, do tâm lý ưa thích có con trai trong xã hội Việt Nam, nên việc lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra, khiến cho số trẻ em gái bị "thiếu hụt" trầm trọng.
TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết, theo Pháp lệnh Dân số Việt Nam, hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó bao gồm cả việc tiết lộ giới tính thai nhi là những hành vi bị cấm.
Nhưng đáng buồn là hàng năm vẫn có hàng nghìn bé gái không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi. Việc lựa chọn giới tính thai nhi sẽ để lại hệ lụy cho sức khỏe của người mẹ cũng như sự mất cân bằng giới tính, để lại hậu quả lâu dài cho xã hội.
Dù đã có những quy định của pháp luật nhưng việc thực thi trong đời sống hằng ngày vẫn là một thách thức lớn. Theo ông Hoàng, trước tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang tăng ở Việt Nam, đã có các hoạt động từ Trung ương đến địa phương tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đó là:
- Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo các nhóm đối tượng.
- Xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp. Đồng thời, nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện "Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025".
Báo cáo tình trạng dân số thế giới của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2020 cho thấy, thế giới thiếu khoảng 140 triệu phụ nữ, là hậu quả không chỉ của lựa chọn giới tính khi sinh mà còn của lựa chọn giới tính sau sinh. Một khảo sát năm 2020 cho biết, tỷ lệ phụ nữ trên thế giới là dưới 50%.
Thế giới càng phát triển thì công nghệ lựa chọn giới tính khi sinh ngày càng phổ biến. Điều đó đã tác động trực tiếp đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, người phụ nữ có thể mất quyền quyết định đối với việc sinh con khi công nghệ có thể mang đến sự lựa chọn cho những người khác trong gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn