Sau hơn 2 năm thi công, cầu Vĩnh Tuy 2 chính thức thông xe vào khoảng 18h30 ngày 30/8. Cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng.
Khoảng 18 giờ 30 tối 30/8, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã chính thức cho các phương tiện di chuyển, nhiều người dân tỏ rõ sự phấn khởi.
Toàn cảnh cầu Vĩnh Tuy 2 song song cầu Vĩnh Tuy 1.
Khu vực này có lưu lượng phương tiện giao thông lớn vào những giờ cao điểm, tuy nhiên ngày đầu tiên thông xe, cầu Vĩnh Tuy 2 đã giúp giảm tải áp lực giao thông cho cầu Vĩnh Tuy cũ, người dân có thể dễ dàng di chuyển về nhà .
Sau khi thông xe, nhiều người dân tỏ ra phấn khởi khi không còn chịu cảnh ùn tắc.
Bạn Thu Trang (22 tuổi, trú tại Q.Long Biên, Hà Nội) cho hay, hàng ngày đi qua cầu Vĩnh Tuy cũ, Trang phải chờ đợi rất lâu mới có thể thoát khỏi dòng phương tiện. "Để di chuyển từ Minh Khai sang nút giao Cổ Linh về nhà, vào giờ cao điểm, mình phải mất từ 15-20 phút, rất khó chịu. Hôm nay di chuyển trên cây cầu mới, mình rất phấn khởi, đường khá thông thoáng có thể rút ngắn thời gian về nhà", Trang chia sẻ.
Sau lễ thông xe sáng nay, toàn bộ xe đi từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên sẽ di chuyển 1 chiều trên mặt cầu Vĩnh Tuy 2. Đối với cầu Vĩnh Tuy 1 sẽ tổ chức giao thông một chiều theo hướng từ quận Long Biên đi quận Hai Bà Trưng.
Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các phương tiện được lưu thông tốc độ tối đa 60 km/giờ ở 3 làn xe cơ giới (làn cạnh dải phân cách giữa). Tại làn xe hỗn hợp (làn cạnh lan can phải của cầu), các phương tiện (xe máy và xe thô sơ) được lưu thông tốc độ tối đa 40 km/giờ.
Hình ảnh các phương tiện lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông thoáng.
Trong khi đó, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, ở 4 làn xe cơ giới cạnh dải phân cách giữa được di chuyển với tốc độ tối đa 40 km/giờ. Tại làn xe hỗn hợp, các phương tiện được chạy tối đa 30 km/giờ.
Công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, nhiều hạng mục của cây cầu có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng đã hoàn thành.
Dự án hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.