Chị Thu Vân cho biết: "Trong thời điểm dịch bệnh, cơ sở của tôi gặp khó khăn nhiều lắm. Khi đóng cửa thì cả chủ và thợ đều không có thu nhập. 6 thợ làm cho xưởng phải nghỉ. Nghề này tìm thợ khó lắm, đào tạo được một người thợ cứng nghề phải mất ít nhất một năm. Nếu mình không chăm lo tốt thì sau dịch họ không quay lại. Vậy nên, tôi cố gắng giúp đỡ anh em trong cơ sở, ai thiếu thì cho mượn tạm để qua mùa dịch. Cũng may, sau dịch mọi người đều quay lại làm. Cơ sở của tôi chuyên về đồ mỹ nghệ, điêu khắc gỗ, trang trí nội thất. Từ tháng 4 đến nay, cơ sở mới bắt đầu khởi sắc trở lại. Hy vọng mùa Tết năm nay, số lượng đơn hàng dồi dào hơn trước. Xưởng của tôi còn nhận gia công theo mẫu cho hơn 10 cơ sở mộc trong và ngoài huyện. Tôi thấy, các xưởng đó bắt đầu có đơn hàng trở lại, thì bên mình cũng có nhiều hàng để làm".
Tương tự, Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee của chị Đoàn Thị Hồng Thắm (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng đang phục hồi sau đại dịch và sẵn sàng cho mùa Tết năm nay. Công ty của chị chuyên sản xuất, kinh doanh trà thảo dược, tinh dầu thiên nhiên và trồng trọt, chế biến, kinh doanh nông sản, dược liệu. Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty gặp nhiều khó khăn về khâu vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Các đơn hàng bị trả về liên tục, hư hao về sản phẩm và tốn nhiều phí vận chuyển. Nhưng sau mùa dịch, doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp và phục hồi.
Chị Thắm chia sẻ: "Hiện nay, doanh nghiệp của tôi còn gặp một khó khăn là giá nguyên liệu tăng, nhất là các nguyên liệu nhập khẩu. Phía doanh nghiệp luôn muốn giữ giá bình ổn vì sau dịch, người dân cũng khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt chỉ có cách là làm truyền thông tốt hơn để bán hàng nhiều hơn, lấy số lượng bù lợi nhuận. Vậy nên, thời gian này, tôi tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, làm nhiều cách để tăng số lượng bán, bù cho chi phí nguyên liệu đầu vào".
Chị Thắm cho biết thêm, so với thời điểm dịch bùng phát mạnh thì doanh nghiệp của chị đã tăng trưởng 100% và vượt so với thời điểm trước dịch. Nguyên nhân là nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, các sản phẩm rõ nguồn gốc, sản phẩm sạch càng được tin dùng. Mặt khác, sau dịch, nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức. Chị có nhiều cơ hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Các nữ doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. Không chỉ đóng góp vào GDP, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, các doanh nhân nữ còn là lực lượng tiên phong trong thực hiện trách nhiệm xã hội.
Theo báo cáo của câu lạc bộ (CLB) Nữ Doanh nhân Tân Phú (TPHCM), từ đầu năm 2022 đến nay, CLB phối hợp với Hội LHPN quận Tân Phú tổ chức đi thăm và tặng quà cho 22 phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền 22 triệu đồng. CLB đã vận động hội viên xây tặng 1 "Mái ấm tình thương" ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, trị giá 60 triệu đồng; cùng các tổ chức xây dựng cầu nông thôn ở ấp Ô Rô (xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) trị giá 400 triệu đồng… Chị Đinh Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiêm Khang, Phó Chủ nhiệm CLB Nữ Doanh nhân Tân Phú, nhận định: "Về tình hình kinh doanh, sản xuất của chị em trong CLB nói chung đã và đang phục hồi. Sẽ khó để phục hồi nhanh trở lại như lúc chưa có dịch nhưng nhìn chung là khởi sắc. Ngay khi phục hồi, các chị luôn tích cực với nhiều hoạt động của cộng đồng, xã hội".
Trong năm 2021, Hội Nữ Doanh nhân TPHCM (HAWEE) đã vận động ủng hộ các hoạt động xã hội và từ thiện với số tiền hơn 60 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt cùng lượng lớn hàng hóa, sản phẩm. Năm 2022, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, HAWEE triển khai dự án xây cầu nông thôn ngã Tư kênh phèn (Phú Thọ, Tam Nông, Đồng Tháp) trị giá 1,3 tỷ đồng; trao 15 con bò giống, tổng trị giá 250 triệu đồng làm phương tiện sinh kế cho phụ nữ Quảng Ngãi... Bên cạnh đó, các hội viên HAWEE đã góp phần hỗ trợ các hoạt động do Hội LHPN TPHCM tổ chức và các tỉnh thông qua các dự án hỗ trợ cộng đồng, thành lập Quỹ cộng đồng, chương trình từ thiện xã hội với số tiền đóng góp hàng chục tỷ đồng…
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2009 chỉ có 4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Con số này đã tăng lên 21% năm 2011 và lên 24% năm 2019.
Báo cáo của Mastercard công bố tháng 3/2022 cho thấy, tỉ lệ doanh nhân nữ của Việt Nam chiếm 27%, đứng thứ 20/55 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn