Ngày Độc thân chưa đủ sức kích cầu 'bùng nổ' mua sắm trực tuyến ở Việt Nam

17:47 | 11/11/2019;
Từng được xem là một trong những sự kiện được giới kinh doanh ở một số nước châu Á dùng để kích cầu mua sắm, song Ngày Độc thân (Singles' Day - 11/11) lại phụ thuộc vào giới tiêu dùng từng quốc gia và không phải nước nào cũng có thể tạo ra sự "bùng nổ" mua sắm trong ngày này.
Việt Nam mỗi năm có từ 3 đến 4 đợt khuyến mại lớn từ các website thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả kích cầu tư mỗi đợt khuyến mại này lại có sự khác nhau.
 
Tại các nước Đông Nam Á, 2 ngày mua sắm trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay là dịp 11/11 và 12/12. Vào thời điểm này, các trang web thương mại điện tử thường có những chương trình khuyến mại giảm giá, miễn phí vận chuyển để khuyến khích khách hàng mua sắm.
 
 
Ảnh minh họa
 
Khảo sát của Facebook và Boston Consulting Group ở 9 nước Đông Nam Á cho thấy khách hàng bị ảnh hưởng bởi cách người bán tương tác với họ.
 
45% người mua hàng muốn gọi điện với nhà cung cấp để có thêm thông tin về sản phẩm, nắm được thông tin giá trước khi mua hàng.
 
Dịp Ngày Độc thân năm nay, các dịch vụ thương mại điện tử lớn ở Việt Nam vẫn tiếp tục đổ tiền để thu hút khách hàng qua các khuyến mại giảm giá, miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, do khác biệt về văn hóa mà mỗi dịp khuyến mại lớn lại có những hiệu quả khác nhau.
 
Trong khi hai nước Đông Nam Á khác là Malaysia và Singapore có doanh số rất tốt trong dịp này (dịp 11/11/2018, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Malaysia đã tăng 420% và Singapore đã tăng 368%) thì với thị trường Việt Nam, dường như Ngày Độc thân chưa đủ sức tạo ra những chuyển biến lớn về thương mại điện tử.
 
Theo dữ liệu của Crite, vào các dịp 11/11 trước đây, lượng mua sắm trên Internet của Việt Nam chỉ tăng 64%. Còn ngày 12/12 cũng chỉ tăng 97%. Dịp mua sắm trực tuyến mạnh nhất tại Việt Nam là ngày Black Friday (thứ 6 cuối cùng của tháng 11) với mức tăng trưởng mua sắm hằng năm đều đạt 3 chữ số.
 
 
Chỉ trong hơn 1 thập kỷ, Alibaba đã biến Ngày Độc thân, một "lễ kỷ niệm" của người Trung Quốc, thành sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

  

Tình trạng này đến từ nhiều lý do, một phần trong đó đến từ chính các nhà bán lẻ. Họ chọn việc sẽ tự thực hiện các khuyến mại, tự thực hiện các chiến dịch quảng cáo mà không thông qua các website thương mại điện tử lớn nên doanh số cho các trang thương mại điện tử không tăng lên nhiều trong các dịp cuối năm.
 
Ngoài ra vào các dịp khuyến mại lớn của các năm trước, người tiêu dùng thường gặp phải tình trạng khuyến mại ảo, chậm giao hàng nên họ thường tự so sánh giá, chính sách bán của các website bán hàng khác nhau trước khi có quyết định mua.
 

 
 
Ngày Độc thân 11/11 bắt đầu từ Trung Quốc. Vào năm 2009, dịch vụ thương mại điện tử Alibaba đã biến ngày này thành một dịp mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới. Khi đó, website này đã thu về hơn 14,3 tỷ USD và năm ngoái, họ đã thu hơn 30 tỷ USD.
 
Năm nay, theo cập nhật của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chỉ riêng trong buổi sáng 11/11, số tiền mà người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu cho Ngày Độc thân đã đạt hơn 30 tỷ USD, vượt mức so với năm ngoái.
 
Cụ thể, người tiêu dùng Trung Quốc đã tiêu khoảng 10 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 30 phút đầu tiên của Ngày Độc thân 2019. Rất nhiều hàng hoá được bán ra từ thiết bị điện tử tiêu dùng đến cả những món đồ xa xỉ như ô tô. Con số này tương đương với 1/3 tổng giá trị giao dịch cả ngày 11/11 năm ngoái, đạt 30,8 tỷ USD. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn