Ngày làm nương, tối lên lớp học chữ

15:45 | 12/11/2023;
Công tác xóa mù chữ được tỉnh Lạng Sơn xác định không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể.

Xây dựng kế hoạch thực hiện những lớp xoá mù chữ phù hợp

Trong số các huyện của tỉnh Lạng Sơn, Bình Gia là huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Các xã trong huyện có tỉ lệ người mù chữ cao. Do đó trước khi mở lớp học xóa mù chữ, Phòng GD&ĐT đã thực hiện rà soát lại danh sách người mù chữ trên địa bàn huyện trong độ tuổi 15 đến 60 để có kế hoạch huy động học viên ra lớp. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng tổ chức các lớp học xoá mù linh hoạt, căn cứ vào tình hình cụ thể của người học và địa phương nhằm tổ chức lớp và xây dựng chương trình dạy học.

Năm học 2023, toàn huyện Bình Gia có 129 học viên tham gia các lớp xoá mù chữ. Phòng GD&ĐT đã tổ chức 11 lớp tại 4 xã. Trong đó, xã Thiện Hoà 3 lớp; xã Yên Lỗ 3 lớp; xã Quý Hoà 3 lớp và xã Hồng Phong 2 lớp. Các lớp hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Bà Hà Thị Thuỳ Dương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Bình Gia, cho biết, học viên tham gia lớp xoá mù là những lao động chính trong gia đình. Vì vậy, Phòng GD&ĐT Bình Gia bằng nhiều hình thức khác nhau để vận động, tổ chức lớp học linh hoạt. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền xã, già làng, trưởng bản, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đến tận nhà vận động học viên đi học.

Nhiệm vụ căn bản để nâng cao dân trí từ các lớp học xóa mù chữ ở Lạng Sơn- Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ trên địa bàn huyện Bình Gia (Lạng Sơn).

Để các lớp học hiệu quả, bà Dương cho biết thêm, Phòng GD&ĐT Bình Gia đã cùng với các đơn vị trước khi vào học sẽ cho học viên làm các bài kiểm tra trình độ đọc, viết, tính toán nhằm nắm bắt những khó khăn của học viên để từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện những lớp xoá mù chữ phù hợp.

"Học viên tham gia các lớp xoá mù sẽ được cung cấp về bút, vở, tài liệu học tập,… có phòng học đủ ánh sáng, thoáng mát, đảm bảo an toàn cho người học. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy là cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn xã.

Họ là những người có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên các giáo viên sinh sống trên địa bàn giảng dạy nhằm thuận tiện đi lại cũng như hỗ trợ cho học viên tốt nhất", bà Thuỳ Dương cho biết thêm.

Không chỉ phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tổ chức lớp xoá mù chữ mà Phòng GD&ĐT Bình Gia còn kết với trung tâm học tập cộng đồng 19/19 xã, thị trấn để vận động, tổ chức lớp. Các Trung tâm học tập cộng đồng sẽ được tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử, lưu trữ cơ sở dữ liệu xoá mù chữ do Sở GD&ĐT Lạng Sơn tổ chức.

"Phòng GD&ĐT đặc biệt chú trọng đến công tác xoá mù chữ, đối với những học viên khó khăn chúng tôi sẽ tìm mọi cách, phối hợp với địa phương để hỗ trợ làm sao cho học viên tham gia lớp học đầy đủ. Để hạn chế tình trạng tái mù quá trình học, chúng tôi xây dựng nhiều chủ đề, hoạt động giao tiếp để học viên được sử dụng tiếng Việt nhiều hơn", bà Hà Thị Thuỳ Dương cho biết.

Ngày làm nương, tối lên lớp học chữ

Huyện Cao Lộc là huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Lạng Sơn. Theo báo cáo, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tuổi của huyện Cao Lộc đạt 90,83% - con số này còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh trên 94%. Trước thực trạng đó, huyện Cao Lộc đã có nhiều nỗ lực để củng cố chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 1, nâng chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một trong những nỗ lực đó là vận động những đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua rào cản tuổi tác đến lớp học xóa mù chữ để đọc thông, viết thạo.

Tại lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Nùng, Tày ở Trường Tiểu học Ba Sơn (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc), trong số các học viên, người ít nhất cũng đã hơn 30 tuổi, người nhiều nhất gần 60 tuổi. Có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có những người từng được đi học nhưng giờ đây đã quên mặt chữ...

Với chị Hứa Thị Thu (dân tộc Nùng, xã Xuất Lễ), việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm nương làm rẫy hay thêu thùa nhưng không vì thế mà chị chán nản, bỏ lớp. Ngược lại, chị đi học khá đầy đủ. Chị Thu cho biết, do đặc thù công việc nên ban ngày chị lên nương trồng trọt, chiều về lo cơm nước cho gia đình, rồi tối thì đến lớp học chữ. "Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc. Bây giờ tôi có thể đánh vần, đọc được chữ trong sách của con, mẹ con có thể cùng nhau học bài, tôi còn tự viết được tên của mình nữa", chị Thu kể.

Nhiệm vụ căn bản để nâng cao dân trí từ các lớp học xóa mù chữ ở Lạng Sơn- Ảnh 2.

Các lớp xóa mù chữ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn biết đọc, biết viết.

Cũng giống như nhiều học viên khác, trước khi đến với lớp học xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ba Sơn, chị Trương Thị Dần (xã Xuất Lễ) chưa từng biết chữ. Theo chị Dần, trước đây vì hoàn cảnh khó khăn nên chị không được đi học, không được biết chữ. "Tuy nhiên, khi biết tin có lớp học xóa mù chữ tự nguyện mở tại thôn, tôi đã đăng ký tham gia. Bây giờ tôi đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm những phép tính đơn giản rồi", chị Dần chia sẻ.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Lạng Sơn, những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì được tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học đạt trên 98,24%, tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 đạt trên 98,2%. Đại đa số người dân nói tiếng Việt và biết chữ phổ thông.

Ngày 2/11/2022, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 3540/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Lạng Sơn đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trong đó xóa mù chữ đạt mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2021.

Công tác phổ cập giáo dục nói chung và xóa mù chữ nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, một số địa bàn trong tỉnh đạt tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 còn thấp, nguy cơ mất chuẩn cao. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh còn 6.498 người chưa biết chữ mức độ 1; 26.445 người chưa biết chữ mức độ 2; 4 xã chưa đạt chuẩn và 31 xã có nguy cơ mất chuẩn biết chữ mức độ 2. Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, theo báo cáo tổng hợp từ các Phòng GD&ĐT, năm 2022, các huyện đã mở được 17 lớp với 434 học viên học xóa mù chữ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn