"Hợp đồng giả", mất nhà thật?
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 (ngày 30/3/2016, phiên tòa lần 1 tạm hoãn), nguyên đơn là ông Bùi Văn Bột (ở tổ 21 phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) đã thừa nhận mình tự ý đi nộp thuế, làm thủ tục sang tên sổ đỏ mà không có sự đồng ý của bên bán, không đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Trước đó, trong đơn khởi kiện, ông Bùi Văn Bột cho rằng mình đã mua nhà, đất của vợ chồng bà Nguyễn Kim Oanh tại tổ 23, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ với giá 600 triệu đồng. Hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng tại Văn phòng công chứng Xuân Phúc ngày 31/7/2013; ngày 8/10/2013, ông Bột được UBND TP. Điện Biên Phủ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mới mang tên mình.
Trong khi đó, vợ chồng bà Oanh, ông Tuyến khẳng định, hợp đồng chuyển nhượng đất (không chuyển nhượng nhà vì nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) cho ông Bột chỉ là giả, để nhằm đảm bảo cho khoản vay 500 triệu của em bà Oanh (ông Nguyễn Viết Cường) đối với ông Bột.
Ngôi nhà trên thửa đất của vợ chồng bà Oanh đang có tranh chấp |
Sau đó, tuy ông Cường đã trả hết nợ gốc cho ông Bột, nhưng ông này không trả lại giấy tờ đất cho ông Tuyến mà âm thầm làm thủ tục sang tên rồi khởi kiện ra tòa để chiếm nhà, đất trị giá cả tỷ đồng này.
HĐXX sơ thẩm TAND TP. Điện Biên Phủ đã bác bỏ lời khai của bị đơn, nhân chứng và cho rằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/7/2013 đã tuân thủ về “nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở”, nên đã tuyên buộc phía gia đình ông Tuyến giao cả nhà, đất cho ông Bột.
Theo ông Tuyến, khi lập hợp đồng giả cách nói trên, để bảo đảm ông Bột không lợi dụng việc giữ giấy tờ đất và hợp đồng mua bán tự ý sang tên sổ đỏ và chiếm đoạt nhà đất thì vợ chồng ông đã “thòng” bằng Điều 3 và Điều 4 của hợp đồng là “bên bán (tức vợ chồng ông Tuyến) có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền” và “Thuế, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hợp đồng này do bên bán chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, ông Bột đã không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng, tự ý đi làm các thủ tục sang tên. Và điều đáng nói, quá trình làm thủ tục sang tên của ông Bột thể hiện khá nhiều việc làm bất thường của các cơ quan chức năng ở TP. Điện Biên Phủ.
Bên mua thừa nhận “làm thay” bên bán
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bột đã chính thức thừa nhận mình là người đi làm thủ tục sang tên thửa đất, là người nộp thuế thu nhập cá nhân cho ông Tuyến, nộp lệ phí trước bạ. Trong khi theo hợp đồng thì phía vợ chồng ông Tuyến phải làm việc này. Ông Bột khai với HĐXX: “Tôi là người bỏ ra 15 triệu đồng để đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Tôi chấp nhận bỏ tiền ra nộp thay cho bà Oanh”.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Điện Biên tại phiên phúc thẩm lần 2. |
Khi HĐXX hỏi “việc đi làm thủ tục thay bên bán này có được sự đồng ý của vợ chồng ông Tuyến hoặc thông báo cho vợ chồng ông Tuyến không” thì ông Bột thừa nhận “khi hết hạn giao nhà đất, tôi tự đi làm và không thông báo cho vợ chồng ông Tuyến vì họ ở dưới Hà Nội”.
HĐXX tiếp tục: “Nếu không thấy bên bán giao nhà, tại sao không khởi kiện ra Tòa theo quy định tại Điều 5 của Hợp đồng mà tự ý đi làm thủ tục sang tên?”. Ông Bột đã không trả lời được.
Ngoài chi tiết trên thì tại phiên tòa, phía bị đơn cho biết, khi bàn giao sổ đỏ cho ông Bột thì giấy này vẫn ghi rõ tên người sử dụng đất là “hộ gia đình”. Nhưng hiện nay, vợ chồng ông Tuyến lại phát hiện phần đất này đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) TP. Điện Biên Phủ đính chính thành của riêng ông Tuyến, bà Oanh (không còn “hộ gia đình”) vào ngày 31/3/2013 (đúng ngày ký hợp đồng chuyển nhượng).
Gia đình ông Tuyến cho rằng, việc đính chính này là sai quy định và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những thành viên trong hộ gia đình. Hiện hồ sơ tại cơ quan chức năng cho thấy, không có tài liệu nào thể hiện gia đình ông Tuyến nộp hồ sơ và sổ đỏ để yêu cầu VPĐKQSDĐ TP. Điện Biên Phủ điều chỉnh tên người sử dụng đất từ “hộ gia đình” thành “ông Tuyến, bà Oanh”.
Hơn nữa, theo quy định thì việc đính chính chỉ được thực hiện khi nội dung sổ đỏ sai lệch so với giấy tờ tại thời điểm cấp. Thế nhưng, VPĐKQSDĐ lại lấy cả số chứng minh nhân dân của vợ chồng ông Tuyến được cấp năm 2011 để đính chính “ngược” cho sổ đỏ cấp năm 2008.
Chính vì vậy, con trai ông Tuyến đã có đơn khiếu nại, đề nghị VPĐKQSDĐ TP. Điện Biên Phủ hủy bỏ việc đính chính sổ đỏ của gia đình, hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho ông Bột do hồ sơ “khống” và việc sang tên không đúng với nội dung hợp đồng chuyển nhượng.
Trước diễn biến nói trên, HĐXX phúc thẩm đã phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan chức năng.
Ngày 25/5/2016, VPĐKQSDĐ TP. Điện Biên Phủ đã có công văn “cung cấp thông tin” gửi đến TAND tỉnh Điện Biên để xem xét làm căn cứ giải quyết vụ án dân sự. Trong khi đó, phía vợ chồng ông Tuyến thì vẫn cho rằng, lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án là “chờ kết quả giải quyết khiếu nại”.
Vì vậy, khi cơ quan chức năng chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định thì vẫn chưa có căn cứ để tiếp tục giải quyết vụ án.
Thế nhưng, vừa qua TAND tỉnh Điện Biên vẫn ra thông báo tiếp tục giải quyết vụ án và quyết định mở phiên toà vào ngày 14/9. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến và kết quả phiên tòa này.