Ngày Nhà vệ sinh thế giới 2019: 'Không bỏ sót bất kỳ một ai'

09:00 | 16/11/2019;
Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 19/11 là Ngày Nhà vệ sinh thế giới, kể từ năm 2013. Năm 2019 là năm thứ 7 diễn ra sự kiện thường niên này với chủ đề: “Không bỏ sót bất kỳ một ai”.

Mục đích của Ngày Nhà vệ sinh thế giới

Ngày Nhà vệ sinh thế giới giúp mọi người trên toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh tới sức khỏe của con người và chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh hơn.

Chữ W trong logo của Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới thiết kế mô phỏng theo tư thế ngồi nhà vệ sinh tốt nhất cho sức khỏe con người. Đó là tư thế ngồi xổm, khom lưng, giữa đùi và sống lưng tạo thành một góc 35 độ.

 
Logo của Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới

 

Một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra vào năm 2015 là cung cấp nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng nhà vệ sinh không chỉ có nghĩa là vấn đề vệ sinh và sức khỏe mà còn là vấn đề an ninh cũng như cơ hội được tiếp cận giáo dục đối với người nghèo, đặc biệt là trẻ em gái, phụ nữ.

Năm 2001, Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (WTO) được thành lập ở Singapore. Đây là tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, được lập ra để vận động cải thiện các điều kiện vệ sinh và nhà vệ sinh. Đến nay, tổ chức này đã kết nạp 122 tổ chức thành viên tại 47 nước. Năm 2005, tổ chức này đã thành lập Đại học Nhà vệ sinh thế giới đầu tiên ở Singapore nhằm đào tạo về thiết kế, bảo trì nhà vệ sinh, xây dựng hệ thống vệ sinh bền vững.

Từ khi bắt đầu có Ngày Nhà vệ sinh thế giới, suy nghĩ của con người về các thiết bị vệ sinh và tầm quan trọng của nhà vệ sinh đã được nâng cao, góp phần cải thiện và nâng phần nào sức khỏe cho con người thông qua việc sinh hoạt hằng ngày.

Thông qua ngày này hàng năm, đã có rất nhiều vùng sâu, vùng xa được các công ty với nhãn hiệu thiết bị vệ sinh nổi tiếng tặng nhà vệ sinh hoặc các thiết bị vệ sinh để “nhà vệ sinh hóa” ngày càng nhiều khu vực trên thế giới.

 

Những quy định nhà vệ sinh trên toàn cầu

Ngay từ năm 1989, Singapore đã ban hành biện pháp xử phạt người sử dụng nhà vệ sinh công cộng không chịu dội nước. Người vi phạm có thể bị phạt đến 150 đôla Singapore (3 triệu đồng). Bộ luật về sức khỏe môi trường của Singapore ra đời. Luật định nghĩa rõ: Nhà vệ sinh công cộng là nhà vệ sinh ở siêu thị, chợ búa, nơi ăn uống (nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm), trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu du lịch, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, ga xe điện ngầm, sân vận động, hồ bơi công cộng. Tất cả nhà vệ sinh công cộng đều miễn phí.

Năm 2012, Bắc Kinh (Trung Quốc) thông qua luật 2 con ruồi cho các nhà vệ sinh công cộng: Các quan chức thành phố khuyến nghị, bất kì nhà vệ sinh có từ 2 con ruồi một buồng tiểu là không thể chấp nhận được. Trên các tuyến phố ở Bắc Kinh qui định từ 600-800m (tuyến phố lớn) và từ 800-1000m (đối với tuyến phố nhỏ) phải có nhà vệ sinh công cộng để khách chỉ cần tốn 8-10 phút là có thể tìm được. Thiết kế nhà vệ sinh cũng chú trọng đến tính nhân văn, có tính toán đến nhu cầu của người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật: Có lối đi riêng dành cho người tàn tật người đi xe lăn, có tay vịn, có bồn rửa tay xả nước cảm ứng, thậm chí một số có thiết kế giường, có thể thay tã lót cho trẻ sơ sinh...

Tại Anh, nhà vệ sinh công cộng thường được bố trí ở tầng hầm trong các siêu thị. Khách đi đường đi qua cửa chính ở tầng trệt, qua khu mua sắm, rồi mới đến đầu cầu thang dẫn xuống tầng hầm, vừa phục vụ khách đi đường, vừa có cơ hội bán hàng. Hàng năm, Hiệp hội nhà vệ sinh quyên tiền của các tổ chức từ thiện, đơn vị kinh doanh, các trung tâm giải trí, bệnh viện... nhằm xây dựng nhà vệ sinh công cộng. 

Các mô hình nhà vệ sinh đa dạng trên thế giới

Nhà vệ sinh “Con hổ” được đưa vào sử dụng từ năm 2015 tại nhiều gia đình và trường học trên khắp Ấn Độ. Ưu điểm của nó là không cần phải có một hệ thống xả nước hay kết nối với cống. Nhờ có giun hổ (Eisenia fetida) ở dưới ăn phân, nhà vệ sinh kiểu mới không cần dội nước, do vậy không cần phải xả xuống cống. Giun được nuôi phía dưới bể phốt, khi ăn phân chúng thải ra nước, khí CO2 và chất thải. Do xử lý khá sạch nên nhà vệ sinh Con hổ không gây mùi nhiều, cũng ít thu hút ruồi, muỗi hơn so với nhà vệ sinh thông thường. Nước do giun thải ra khi thấm xuống đất sẽ được lọc tự nhiên, do vậy không cần phải xử lý thêm. Mỗi nhà vệ sinh Con hổ có giá khoảng 350 USD (8,1 triệu đồng).

 
Nhà vệ sinh “Con hổ” 
 

Năm 2016, một công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh di động ở thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ, đã cho vận hành những xe buýt nhà vệ sinh di động thay cho xe buýt thông thường. Những chiếc xe màu hồng đáng yêu này có tên là “Ti” (Tiếng Marathi có nghĩa là “Cô ấy”), sử dụng năng lượng mặt trời, được trang bị hệ thống wifi, 1 tivi, 2 chậu rửa tay, 3 nhà vệ sinh kiểu Ấn Độ và 1 nhà vệ sinh thông dụng. Người dùng chỉ cần trả 5 Pupi (gần 2000 đồng) để sử dụng vòi hoa sen, thay bỉm, băng vệ sinh, nước uống và không gian cho con bú. Truyền hình trên xe buýt phát các video về các vấn đề kinh nguyệt, điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và tự kiểm tra ung thư vú. Phần đuôi xe buýt được thiết kế như một quán cà phê nhỏ có nhân viên phục vụ toàn thời gian và nút khẩn cấp được liên kết với còi báo động bên ngoài trong tình huống không an toàn.

 
Nhà vệ sinh di động thay cho xe buýt thông thường 
 

Ở Hàn Quốc, nhà vệ sinh có mặt ở khắp mọi nơi và luôn luôn sạch sẽ, nhiều nhà vệ sinh công cộng đã áp dụng loại vòi mở bằng cách ấn đầu gối để giảm thiếu tối đa sự mất vệ sinh ở núm xoay vòi nước do tay nhiều người khác nhau cầm vào. Một máy bán hàng tự động với nhu cầu thiết yếu bên cạnh lối vào nhà vệ sinh ở ga Sinchon, Seoul.

 
Nhà vệ sinh tại Hàn Quốc
 

Công viên chủ đề nhà vệ sinh rất thu hút khách ở thành phố Suwon, trong đó có hẳn một bảo tàng nhà vệ sinh. Công trình này tên là Mr. Toilet House, được xây để tôn vinh ông Sim Jae Duck - Thị trưởng thành phố Suwon, người đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa nhà vệ sinh và văn hóa đi vệ sinh của người Hàn. 

 
Công trình này tên là Mr. Toilet House
 

Năm 2014, Singapore đã lắp đặt hệ thống cảm ứng thông minh trong nhà vệ sinh công cộng. Mỗi khi lượng người sử dụng nhà vệ sinh đông hoặc có mùi moniac trong nước tiểu và hydro sunfua trong phân, máy cảm ứng sẽ phát tín hiệu để những nhân viên vệ sinh đến dọn dẹp.

 
Hệ thống cảm ứng thông minh trong nhà vệ sinh công cộng
 

Trước đây, hầu hết những người chuyển giới từ nam thành nữ đều sử dụng nhà vệ sinh nữ để giải quyết nhu cầu tự nhiên và ngược lại.

 
Nhiều nhà vệ sinh không phân biệt giới tính

 

Thế nhưng, tại một số quốc gia, người ta đã cho lắp đặt nhiều căn phòng vệ sinh không phân biệt giới tính để phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thái Lan... Màu tím được coi là màu của những người đàn ông chuyển giới ở Thái Lan. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn