Phát bệnh vì ăn nhậu
Trưa đãi khách hàng, tối ăn tiệc với đối tác, càng cuối năm những buổi ăn uống tiếp khách của ông Trần Linh, 50 tuổi, công tác trong ngành xây dựng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, kín lịch. Bà Mai Hoa, vợ ông Linh, kể: Nhiều hôm về nhà, người ông mệt mỏi bởi công việc, khách khứa cộng với căn bệnh tiểu đường phát ra mấy năm nay. Lúc mới phát hiện, mức đường huyết của ông Linh đã lên tới trên 20mmol/L. Dù uống thuốc đều nhưng chế độ ăn uống không điều độ, thiếu kiêng khem khiến lượng đường huyết của ông không ổn định.
Liên hoan liên miên cuối năm và năm mới dễ gia tăng nhiều bệnh |
TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, năm nào cũng vậy, cứ cuối năm và đầu năm mới tại BV Bạch Mai, số bệnh nhân đến khám vì tăng huyết áp, tim mạch, gout, xơ gan… tăng khá cao. Nguyên nhân là trong những ngày cuối năm, mọi người ăn uống liên hoan nhiều, trong đó một số loại thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Tết đến lại ăn uống, vui chơi 'thả ga'. Hậu quả là sau Tết, các bệnh chuyển hóa liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt tăng khá cao so với thời điểm trước Tết. Trong đó, tăng đường huyết, gout là những bệnh đồng hành với nhóm bệnh huyết áp, tim mạch, rối loạn mỡ máu. Đặc biệt, số bệnh nhân tới khám do bị gout chủ yếu rơi nhiều vào nhóm thanh niên từ 25-30 tuổi. Đây là hệ quả sau những ngày Tết ăn nhậu “thả phanh”.
BS Nguyễn Trung Cấp, quyền Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, trong dịp cận Tết và đầu năm, số bệnh nhân nhập viện vì xơ gan tăng cao hơn bình thường. Nhiều bệnh nhân đang điều trị xơ gan về ăn Tết với gia đình đã không tiết chế việc ăn uống, nhất là rượu bia dẫn đến xơ gan nặng.
Đừng để Tết xong là... nhập viện
Theo BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Bạch Mai, đa số món ăn ngày Tết có nhiều ngọt, nhiều đạm và nhiều mỡ, cho dù ăn ít vẫn có thể tăng cân. Ngày cả những thực phẩm ăn vặt ngày Tết cũng cung cấp năng lượng nhiều. Người bệnh huyết áp cao phải hạn chế ăn mặn. Người có bệnh tiểu đường không nên uống nước ngọt, không ăn các loại mứt, các loại hoa quả khô, ngay cả trái cây ngọt cũng phải ăn hạn chế.
Sau ngày Tết, trẻ béo phì dễ tăng cân thêm, trẻ suy dinh dưỡng lại giảm cân đi. Nguyên nhân là do trẻ béo phì thường háu ăn, các cháu ăn không kiểm soát được, còn trẻ biếng ăn thì vui quá lại bỏ ăn. Do vậy, dù thế nào cha mẹ cũng nên có lịch bữa ăn chung cho cả nhà, chú ý không được bỏ bữa sáng của trẻ. Với trẻ béo phì, bố mẹ nên mua sẵn một số loại trái cây, rau tươi ít năng lượng để trong tủ lạnh mà trẻ nhìn thấy được và có thể ăn được ngay như dưa leo, quýt, táo, mận... Trẻ suy dinh dưỡng thì ngược lại, cần ăn sữa chua, bánh quy, chuối, nho...
Ngày Tết, cả nhà nên ăn uống khoa học. Ảnh minh họa |
Dịp Tết, mọi người cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý như giữ số các bữa ăn giống như ngày thường; không nên nấu quá nhiều các món trong một bữa; không được quên món rau, nên ăn rau luộc vì ngày Tết đã quá nhiều thức ăn giàu chất béo và chất đạm; hạn chế ăn bánh kẹo, nước ngọt; uống rượu bia ở mức vừa phải. Hãy biết tiết chế trước những món ăn, những lời mời để dạ dày của bạn không bị bội thực ngày Tết, kéo theo một loạt nguy cơ về tăng cân, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...