Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Thuốc lá điện tử "tấn công" phụ nữ và trẻ em

10:38 | 31/05/2021;
Tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm nhưng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử lại tăng nhanh. Cùng với đó, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - cho biết, theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh/thành ở Việt Nam năm 2020 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá chung ở độ tuổi 15-24 tuổi là 13%. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá trong giới trẻ có xu hướng giảm so với năm 2015 thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử lại gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trên 15 tuổi là 0,2%.

Theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019", tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%. Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Ngày thế giới không thuốc lá 31/5: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh - Ảnh 1.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Điều đáng chú ý là Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá truyền thống rất thấp so với nam giới, song với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng, kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi, các mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe và chất lượng giống nòi trước tác hại của thuốc lá sẽ không đạt được.

Là một trong những nguyên nhân chính của các gánh nặng về bệnh tật, tử vong và các tổn thất về kinh tế, sử dụng thuốc lá đang trở thành mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố ở Việt Nam năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 42,3%, tương đương với việc khoảng 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc thụ động còn cao đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Theo kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,7%).

Sử dụng thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6 - 15% tổng chi phí y tế.

Tại Việt Nam, tiêu dùng thuốc lá ảnh hưởng tới đói nghèo, phát triển bền vững. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình. Một người hút thuốc trong 1 năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Chi phí y tế mới chỉ cho 5 trong số 25 loại bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) là 24.000 tỷ đồng. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

Tiếp tục nâng cao nhận thức trong phòng chống tác hại của thuốc lá

Tại Việt Nam, thấy được tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, năm 2012, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mạnh mẽ. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập, đặc biệt với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, các hoạt động do Quỹ hỗ trợ đã được triển khai trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Thuốc lá điện tử "tấn công" phụ nữ và trẻ em - Ảnh 2.

Thuốc lá điện tử gây nghiện, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ

Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, kết quả nghiên cứu "Tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá" của 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm so với năm 2015 (từ 2,5% đến 12%) như: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá cũng giảm đáng kể. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc giảm (từ 8,8% đến 33,2%) so với năm 2015 như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Nam, Tiền Giang. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc tại cơ sở y tế giảm (từ 3,4% đến 9,6%) so với năm 2015 như: Đồng Tháp, Hải Phòng, Quảng Nam.

Trong thời gian qua, sau khi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá được ban hành, đặc biệt từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập, đã nỗ lực hỗ trợ, phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn như thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thuốc lá được bày bán khắp nơi cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) đang nhằm vào giới trẻ với nhiều chiêu thức quảng cáo gây hiểu lầm đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm này trong giới trẻ. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn chưa cao. Việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán cũng đang gây những khó khăn cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá…

"Xác định được những khó khăn này, trong thời gian tới Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động theo các nhiệm vụ được giao trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, có xác định các ưu tiên, trọng điểm để thực hiện hiệu quả Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn