Và giờ đây, tại thôn Đồng Bèn, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội), bé Nguyễn Bạch Hải Phong (sinh năm 2011), con của chị Linh, được cùng chúng bạn vui đùa thỏa thích, xa lánh "những chiếc hộp ngột ngạt" chốn đô thị.
Chị Thùy Linh cho biết, nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó thì nuôi một trẻ tự kỷ còn vất vả gấp trăm lần. Chị phải luôn cố gắng nhìn vào những ưu điểm của con để có động lực sống, cũng như cố gắng tìm hướng phát triển những ưu điểm đó.
Khi gặp áp lực trong việc nuôi dạy con, chị tự tìm cho mình niềm vui ở việc làm vườn, ca hát, công việc. Sau nhiều năm đồng hành cùng con, chị hiểu ra rằng, chỉ khi người mẹ có tâm lý vững vàng, đời sống tinh thần thoải mái mới có thể giúp con can thiệp hiệu quả.
Ngẫm lại thời gian đầu hôn nhân, đặc biệt khi biết con mắc chứng tự kỷ, vợ chồng chị đã có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, chị nghĩ "đời thay đổi khi chúng ta thay đổi". Chị tìm mọi cách để đối thoại với chồng, lắng nghe suy nghĩ của anh để trao đổi hướng giải quyết từng khúc mắc một.
Có lúc, cả hai vợ chồng đều bị xuống tinh thần, thậm chí nghĩ đến ly hôn nhưng khi đứng trước viễn cảnh không được sống cùng con nữa, chồng chị lại cố gắng thay đổi bản thân, thấu hiểu khó khăn của vợ hơn.
Chị Thùy Linh thừa nhận, có lần bản thân đã tuyệt vọng và suy nghĩ tiêu cực, đó là khi Hải Phong xô xát với bạn. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn ở rất nhiều mặt như kém về ngôn ngữ, không biết giao tiếp, tương tác xã hội, rối loạn giác quan, rối loạn hành vi, kém kiềm chế cảm xúc…
Với mỗi khó khăn lại có nhiều dạng, thể và những cách xử lý khác nhau. Một đứa trẻ bình thường cần một khoảng thời gian để học một kĩ năng nhưng với trẻ tự kỷ có thể là mười, một trăm, một nghìn lần, thậm chí không bao giờ học được.
Từng có thời gian mỗi ngày chị đều cảm thấy tim đập nhanh khi nhận được cuộc gọi từ cô giáo, bởi rất có thể đó là thông báo con gây rắc rối ở trường. Sau những phút yếu lòng, chị trở về ôm lấy con.
Chị nghĩ mình cần phải mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng con, giúp cộng đồng nhận ra những ưu điểm của con và chấp nhận con như một người có ích.
Sau mỗi năm, tần suất các cơn giận của Hải Phong giảm dần, 7-8 tuổi, con chỉ còn thỉnh thoảng cấu nhẹ hoặc đánh nhẹ người khác nhưng không gây thương tích và ở tuổi 11-12, con gần như đã kiểm soát hoàn toàn hành vi của mình. Cậu bé có thể sử dụng tốt tiếng Anh, phát âm chuẩn, đam mê lập trình và rất yêu thương bố mẹ.
Từ kinh nghiệm của một bà mẹ có con tự kỷ, chị Bạch Thùy Linh cho biết, một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ kèm tăng động, giảm chú ý rất cần không gian sống để vận động, xả năng lượng cũng như có bạn để chơi, tương tác.
Hiện nay, Hải Phong là một học sinh lớp 6 hiểu chuyện và yêu đời. Còn chị Thùy Linh dạy tiếng Anh online và điều hành từ xa Công ty giáo dục của gia đình để dành nhiều thời gian hơn cho con. "Việc chăm sóc, đồng hành cùng một đứa trẻ tự kỷ luôn là một áp lực lớn.
Tuy nhiên con càng trưởng thành, tiến bộ thì áp lực ấy càng giảm. Khi con còn nhỏ, mình lo lắng con không biết nói, không biết diễn đạt, giao tiếp…
Đến tuổi đi học thì lo con không tập trung được trong lớp, gây phiền đến thầy cô và bạn bè, lo con không kiềm chế được cảm xúc, làm đau người khác. Đến tuổi dậy thì, mẹ lại lo con có hiểu được các nguyên tắc, giới hạn về giới tính hay không, có biết tự chăm sóc hay không.
Khi xác định là cha mẹ của một em bé tự kỷ, điều đầu tiên bạn cần học đó là sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện. Mình luôn tự nhủ: Con có thể chưa làm được điều này nhưng rồi con sẽ làm được nếu mẹ kiên nhẫn với con thêm lần thứ 1.000 + 1 và đúng là Hải Phong cuối cùng cũng đạt được những mốc phát triển của mình", chị Linh nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn