Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc chiến với HIV/AIDS

07:25 | 01/12/2024;
Bên cạnh những người có "H" luôn có những tình nguyện viên thầm lặng. Họ đều nhiệt huyết và hy vọng cùng chung tay chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.

Điểm tựa cho người có "H"

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1988) đã dành nhiều thời gian hỗ trợ các em nhỏ, thanh thiếu niên bị HIV. Là một người khỏe mạnh và đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài ở Hà Nội, chị dùng quỹ thời gian còn lại của mình để góp phần chăm sóc những tâm hồn nhỏ bé không may bị "H".

Chia sẻ về cuộc hành trình đến với các em có "H", chị Tâm cho biết, chị bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện từ năm 2007 cùng các tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ dạy tiếng Anh và một số kĩ năng cho các em học sinh khiếm thị ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Cách đây 2 năm, cơ duyên đã đưa chị đến với "cộng đồng HIV".

Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12: Những tình nguyện viên thầm lặng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chị Tâm thật lòng chia sẻ, ngay từ đầu chị không chủ đích hướng tới làm việc cùng các bạn nhỏ có "H", mà vô tình trong một hoạt động thiện nguyện khác, chị được biết đến một bạn nhỏ tên Quý.

Lần đầu tiên tiếp xúc để hỗ trợ một người có "H", chị hơi lúng túng vì bản thân chị chưa có kinh nghiệm gì về vấn đề này. Thế nhưng khi tìm hiểu hoàn cảnh đáng thương của Quý, chị có thêm quyết tâm.

Chị Tâm kể, nhà Quý ở miền núi, bố mẹ em đều có "H" và qua đời từ năm 2006. Từ đó, Quý sống cùng bác ruột. Thời điểm gặp Quý, Quý rất gầy và xanh xao, thiếu sức sống, khép kín, ngại tiếp xúc, cả ngày chỉ loanh quanh trong căn phòng nhỏ. Quý chỉ có duy nhất một người bạn thân biết em có "H", còn ở trường, lớp đều không ai biết.

Sau đó, chị Tâm đã kết nối với một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ Quý. Kể từ đó, Quý cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống và bắt đầu có định hướng cho tương lai. Quý chịu đi khám bệnh và điều trị. Điều đáng mừng là kết quả sau điều trị cho thấy tải lượng virus thấp.

Năm 2023, chị Tâm đã kết nối với một tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội xin cho Quý đến học nghề. Quý được tư vấn rất kỹ ngành nghề nên học, định hướng tương lai, và em rất hào hứng tham gia. Chỉ trong một ngày Quý đã chuẩn bị xong hồ sơ và gửi xuống Hà Nội.

"Tuy nhiên, điều đáng tiếc chính tại thời điểm gần đi học thì Quý gặp chuyện cá nhân, tinh thần em xuống rất nhanh, sức khỏe đột ngột yếu đi và em đã không thể xuống Hà Nội để học nghề được nữa. Hiện nay chúng mình vẫn hỗ trợ, nhắn tin tâm sự, trao đổi với Quý, hy vọng một ngày không xa em có thể đi học nghề và có một tương lai độc lập, tươi sáng hơn", chị Tâm chia sẻ.

Là một người "có H", anh Nguyễn Thế Vinh (26 tuổi) trở thành một thành viên tích cực hoạt động trong cộng đồng phòng chống HIV/AIDS ở An Giang. Mặc dù lo sợ bản thân nhiễm HIV do quan hệ đồng tính, nhưng Vinh không dám đi xét nghiệm. Mãi đến năm 2021 khi làm tình nguyện viên chống dịch Covid-19, Vinh buộc phải xét nghiệm máu. Lúc này anh mới đối mặt với sự thật là mình "có H".

Lúc đó, Vinh không có việc làm, không có bảo hiểm y tế, việc khám và điều trị bệnh vô cùng khó khăn. Cũng chính từ đây, Vinh hiểu sự khó khăn của những người có "H", anh quyết định tham gia hỗ trợ cộng đồng.

Việc đầu tiên là Vinh tìm kiếm những bạn tình cũ mà mình vẫn còn lưu số điện thoại, liên lạc và khuyên họ đi xét nghiệm HIV. "Không biết là họ lây cho mình hay mình lây cho họ, nhưng mình cố gắng tìm được nhiều nhất để đưa họ đi xét nghiệm. Trong số đó có người nhiễm, người không. Ai nhiễm H thì mình hỗ trợ", Vinh cho biết.

Mong tìm thấy niềm tin

Nhiều năm hỗ trợ cộng đồng HIV ở An Giang, anh Nguyễn Thế Vinh cho biết cộng đồng người đồng tính (LGBT) ở An Giang khá đông, nguy cơ lây nhiễm do quan hệ đồng tính rất cao. Riêng năm 2023 và 2024 anh đã hỗ trợ 12 ca đồng tính nhiễm HIV, trong số đó có nhiều người còn rất trẻ. Vinh xót xa nói: "Mình đang hỗ trợ 2 em dưới 18 tuổi, 10 em từ 18-24 tuổi, nhiều em đang đi học, có em học lớp 12 đang sắp thi đại học thì nhiễm HIV".

Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12: Những tình nguyện viên thầm lặng- Ảnh 2.

Nơi cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Anh Vinh mong muốn công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương cần được đẩy mạnh hơn. Tại An Giang các dự án hỗ trợ truyền thông giai đoạn đầu còn rất ít, nên nhiều người trẻ chưa ý thức được và chưa đi xét nghiệm, điều đó khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn. Nếu phát hiện sớm, các bạn trẻ có cơ hội khám, điều trị và hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà cộng đồng HIV phải đổi mặt, chị Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết: "Do các bạn có 'H' rất mặc cảm về bản thân, nên việc giao tiếp còn hạn chế. Hơn nữa, để cải thiện sức khỏe thì các bạn cần phải có chế độ ăn uống và tập luyện, nhưng do mặc cảm và e ngại nên các bạn thường sống khép kín và hầu như không có bạn bè. Ví dụ như trường hợp của Quý, mình đã cố gắng động viên nhưng Quý vẫn còn nhiều lo sợ. Ngay cả bác của Quý cũng sợ cháu mình bị lừa nên không dám cho cháu tham gia các chương trình tập huấn về sức khỏe...".

Chị Tâm mong muốn sẽ kết nối được với những người làm công tác thiện nguyện để hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em học nghề, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

"Ở các tỉnh xa, hiện tại mạng lưới hỗ trợ cho cộng đồng HIV rất mỏng, manh mún hoặc thậm chí là không có. Nên khi cần kết nối với cộng đồng ở địa phương gây dựng niềm tin với các em có 'H' và gia đình thường rất khó khăn. Đa phần các chương trình tập huấn, đào tạo cho cộng đồng có 'H' đều diễn ra ở các thành phố lớn- đây cũng là trở ngại đối với những người có 'H' ở tỉnh lẻ", chị Tâm chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn