Ngày trở về đầy nước mắt của những phụ nữ lao động xuất khẩu

12:13 | 24/12/2021;
Nhiều phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn như tình trạng pháp lý không rõ ràng, hạn chế tiếp cận thông tin và dịch vụ hỗ trợ, thậm chí bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Sau 10 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trở về nước, những tưởng sẽ có chút vốn liếng làm ăn, lo cho kinh tế gia đình ổn định, chị Nguyễn Thị Minh (Chương Mỹ, Hà Nội) tá hoả khi biết, toàn bộ số tiền mà chị tích góp và gửi về nhà đều bị chồng "nướng" hết vào chiếu bạc.

"Cứ 3 tháng tôi lại gửi tiền về nhà/lần cho chồng. Anh ta nói với tôi là tiền tôi gửi về anh đều gửi tiết kiệm. Thỉnh thoảng trong nhà có việc lớn thì anh mới động đến số tiền đó. Vậy mà ngày tôi về nước, không một quyển sổ tiết kiệm nào như lời anh ta nói" – chị Minh chia sẻ.

Quá uất ức, chị Minh đã đơn phương ly hôn, một mình nhận nuôi 2 con nhưng người chồng cũ vẫn hết lần này đến lần khác đe doạ cuộc sống của chị và các con.

Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị chồng bạo hành, chị Nguyễn Phương Dung (ở Đan Phượng, Hà Nội) quyết đi gửi con cho ông bà ngoại để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. "Tôi đi vừa là để làm kinh tế, vừa để thoát khỏi những trận đòn roi của chồng. Ở nhà, cứ vòi tiền vợ để rượu chè không được là anh lại lôi tôi ra đánh tập" – chị Dung kể lại những bất hạnh trong cuộc sống của mình.

Ngày trở về đầy nước mắt của những phụ nữ lao động xuất khẩu - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn như tình trạng pháp lý không rõ ràng. Ảnh minh hoạ

Sau 3 năm làm ăn ở xứ người, chị Dung về nước, những hi vọng có chút vốn liếng, mẹ con chị sẽ mở một tiệm tạp hoá buôn bán qua ngày kiếm kế sinh nhai. Nào ngờ, chị lại "vấp" phải sự kỳ thị của hàng xóm, người thân, bị thêu dệt những chuyện không hay sau những tháng ngày xa nhà, xa chồng con.

"Vậy là những trận đòn roi của chồng lại tiếp tục đổ lên đầu tôi. Nhưng lần này, tôi đã dũng cảm để quyết định ra toà" – chị Dung cho biết.

Dù đã chấm dứt với người chồng vũ phu nhưng chị Dung vẫn chưa thể nào vượt qua những mặc cảm trước những lời dị nghị về cuộc sống của chị những năm tháng lao động xa nhà. Cuối cùng, chị Dung rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý nghiêm trọng.

Một kết quả khảo sát của Hội LHPN Việt Nam trên 189 phụ nữ hồi hương tại 5 tỉnh gồm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang cho thấy: 44% phụ nữ đã ly hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng ly hôn khi về nước, 18% trẻ em chưa có giấy khai sinh, 70% phụ nữ có nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý. Tại Hà Nội, khảo sát nhanh của Hội LHPN Hà Nội năm 2020 cho thấy, trên địa bàn có 452 phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài, 88 phụ nữ di cư hồi hương. Phần lớn phụ nữ kết hôn tại xứ người, bên cạnh chị em tìm được hạnh phúc thì không ít người, gặp bất hạnh bởi rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, lối sống, bạo lực gia đình. Khi hôn nhân đổ vỡ, một số cô dâu Việt trở về quê hương đã gặp phải nhiều khó khăn trong tái hòa nhập với cộng đồng do bị kỳ thị, không có việc làm, tình trạng pháp lý hôn nhân không rõ ràng.

Chia sẻ tại một buổi truyền thông trực tuyến nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hoà nhập cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội từng cho biết, thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng di cư an toàn, kiến thức, kỹ năng, hoạt động cụ thể để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình hòa nhập cộng đồng bền vững.

 "Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là một công việc phức tạp, rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng và các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em" - bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ khẳng định.

Để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ di cư hồi hương, ngày 9/10/2019, Hội LHPN Việt Nam đã phê duyệ̣t dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ", trong đó Hà Nội là 1 trong 5 tỉnh địa bàn của dự án.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn