Việt Nam, không có bốn mùa rõ rệt nhưng những tháng đầu năm vẫn là thời gian đẹp nhất. Điều này thể hiện rõ trong tiếng Việt, từ tuổi xuân, thời thanh xuân, xuân sắc, xuân xanh, tiết xuân đến trời, đất, mây, gió… đều xuân. Xuân được dùng đặt tên và lót tên cho nhiều người Việt. Ca dao, tục ngữ, các tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc về xuân áp đảo so với các mùa khác.
Ở Việt Nam, mùa Xuân là mùa lễ hội, mùa du lịch, mùa được nghỉ dài ngày nhất với Tết Nguyên Đán. Thiên hạ thường nói du xuân; ít nói du hè, thu, đông dù mùa nào cũng có khách du lịch. Thậm chí mùa hè, nghỉ học, mọi người đi chơi nhiều hơn.
Du là dịch chuyển, lịch là thời gian được sắp xếp. Du là thuộc tính của động vật, nguồn gốc hình thành và phát triển xã hội. Bản chất cuộc sống là sự dịch chuyển, vận động không ngừng. Con người lao động để tồn tại và vui chơi để cân bằng cuộc sống. Du lịch manh nha từ thủa hồng hoang như bản năng sinh tồn và chuyển dần thành ý thức..
Thời Hy Lạp và La Mã cổ đại (khoảng thế kỷ 8 TCN – thế kỷ 5 SCN) xuất hiện những chuyến "du lịch" của tầng lớp giàu có; xem các công trình kiến trúc, nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mới lạ. Thế kỷ 7, tín đồ các đạo Thiên chúa, Phật, Hồi thực hiện những chuyến đi xa để hành hương, khám chữa bệnh, chiêm ngắm cảnh quan dọc đường.
Truyện cổ Canterbury (Geoffrey Chaucer 1342 – 1400, Anh) và Tây du ký (Ngô Thừa Ân 1506 -1581, Trung Quốc) đều dựa trên các chuyến du hành tôn giáo thực tế. Thời Tống (960 – 1279, Trung Quốc) đã có các nhà văn, nhà địa lý chuyên viết về những trải nghiệm khi du ngoạn bốn phương.
Năm 1271, Marco Polo (1254 – 1324, Ý) có chuyến đi dài hơn 20 năm, từ Venise (Ý) tới phương Đông, thăm thú Trung Quốc và thương cảng Đại Chiêm (nay là Hội An). Các chuyến hải hành và phát kiến địa lý nổi tiếng của Cristoforo Colombo (1451 – 1506, Ý); Vasco de Gama (1469 – 1524, Bồ Đào Nha); Ferdinand Magellan (1480 – 1521, Bồ Đào Nha) đã mở hướng hoạt động lữ hành quốc tế đường thủy.
Du lịch hiện đại khởi nguồn từ "Grand Tour" (thế kỷ 18) tại châu Âu với những chuyến đi trải nghiệm, khám phá và học hỏi văn hóa, nghệ thuật… của giới thượng lưu. Hoạt động này phát triển mạnh và lan rộng khi các tuyến đường sắt được xây dựng. Lượng khách, thời gian du lịch, các dịch vụ gia tăng dẫn tới hình thành thị trường du lịch và dịch vụ đặt chỗ.
Năm 1841, Thomas Cook (1808 – 1892, Anh, cha đẻ du lịch hiện đại) tổ chức "tour trọn gói", làm hướng dẫn viên cho 570 người dự hội nghị, từ Leicester tới Longborough (35km trong nước Anh), ngày nay gọi là du lịch công vụ. Nhờ ký hợp đồng với công ty đường sắt, giá vé giảm được 50%. Chuyến đi thành công, gây tiếng vang, thu hút nhiều người tham gia các dịch vụ.
Thomas Cook mở văn phòng du lịch (1812), rồi lập hãng lữ hành ở Leicester (Anh). Ông còn viết sách hướng dẫn du lịch, ký hợp đồng trọn gói dịch vụ với những lâu đài và khai sinh các thuật ngữ du lịch như giá vé đoàn, tour trọn gói, vé đường sắt quốc tế, coupon thanh toán khách sạn… Năm 1927, ông thuê máy bay (charter flight) chở khách từ New York tới Chicago xem boxing
Du lich trở thành ngành công nghiệp không khói và ngày càng phát triển. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) được thành lập ngày 02/01/1975 thuộc Liên Hợp quốc. Từ năm 1980, ngày 27/9 hàng năm được chọn là ngày Du lịch Thế giới.
Covid - 19 và các biến thể làm kinh tế các nước kiệt quệ, đảo lộn trật tự thế giới. Sau hơn hai năm "đứng hình", du lịch đang dần hồi phục với nhiều thay đổi. Dịch bệnh giúp con người nhìn lại mình và ngộ ra nhiều thứ, biết trân quí cuộc đời, hành xử tích cực, sống đẹp hơn.
Hậu Covid - 19, du lịch bung mạnh như lò xo bị nén không hẳn vì dịch bệnh mà vì mọi người biết sống thực tế, yêu mình và yêu đời hơn. Con người sống chậm hơn, bớt sân si, bớt nhắm mắt quay cuồng chạy theo những ham muốn bất tận. Du lịch là chọn lựa hàng đầu để tận hưởng giá trị cuộc sống, là doping bồi bổ cơ thể trong xã hội công nghiệp.
Con người vốn sinh ra và lớn lên giữa thiên nhiên. Do quá trình đô thị hóa, thiên nhiên ngày càng rời xa cuộc sống nhưng trong sâu thẳm mỗi con người, thiên nhiên vẫn hiện hữu và trở thành máu thịt. Rất nhiều gia đình ở thành thị có thú chơi tiểu cảnh, nuôi chim, cá…
Hậu dịch, khách du lịch nhiều hơn, chi tiêu cao hơn, lựa chọn dịch vụ kỹ và thông minh hơn. Những người giàu, ít thời gian không bao giờ đi tour tự túc hoặc mua tour "hàng chợ". Họ chọn tour độc, thiết kế riêng, mang lại sự thoải mái trọn vẹn và trải nghiệm tốt nhất. Với họ, thời gian là tiền bạc. Thay vì săn vé máy bay giá rẻ, dịch vụ khuyến mãi...chưa chắc được như ý. Việc gì cũng cần chuyên nghiệp và có sự phân công xã hội.
Covid - 19 càng khẳng định giá trị của "sân nhà". Ngành nghề nào cũng nên bắt đầu từ nội địa. Phải tập bơi trong ao, hồ, sông rạch, rồi mới ra biển lớn. Sản phẩm du lịch, trước hết là phục vụ người dân bản địa, du khách đến để trải nghiệm văn hóa đặc trưng vùng miền.
Việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm và môi trường, an ninh xã hội, trật tự giao thông…trước hết là vì mình, vì người thân và vì cộng đồng mới bền vững. Tự thân những việc này làm tăng các giá trị dịch vụ, điểm đến, thu hút du khách tới thưởng ngoạn. Phải đoạn tuyệt tư duy quản lý du lịch kiểu phong trào. Du lịch là phải nghỉ qua đêm. Các dịch vụ và điểm đến nhằm mục đích giữ chân khách, kéo dài thời gian lưu trú. Ngành du lịch cần chấm dứt văn hóa "gắp đồ ăn cho khách" trong xây dựng sản phẩm.
Tiềm năng du lịch Viêt Nam chỗ nào cũng không thiếu. Giống như làm bánh, nguyên vật liệu dồi dào và có sẵn, chỉ thiếu thợ lành nghề. Phải chuyển đổi tư duy trước khi chuyển đổi số. Trước khi tiến hành công nghiệp 4.0 cần ngay 4.CÓ, đó là "Có thông tin minh bạch; Có số liệu cụ thể; Có cách làm hiệu quả; Có người chịu trách nhiệm".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn