Nghệ An: Lời kêu cứu tuyệt vọng của người phụ nữ trên chính mảnh đất của mình

19:03 | 17/05/2018;
Bỏ ra số tiền không nhỏ để mua lại mảnh đất của người bác dâu, hai vợ chồng bà Tám sinh sống ổn định suốt mấy chục năm qua. Việc mua bán đã được chính quyền địa phương thời điểm đó xác nhận, làm chứng, thế nhưng vợ chồng bà Tám đang rơi vào cảnh mất nhà, mất đất bởi một bản án.
Từ việc mua quyền sử dụng đất của người thân
Câu chuyện đáng buồn trên xảy ra tại xã Diễn Xuân, Diễn Châu (Nghệ An) khiến vợ chồng bà Tăng Thị Tám (SN 1968) và ông Ngô Tiến Trọng (SN 1967) rơi vào cảnh trắng tay.
 
Sau khi nhận được đơn cầu cứu của bà Tăng Thị Tám, chúng tôi đã vào cuộc xác minh thông tin xung quanh câu chuyện này. Nhìn về ngôi nhà đã gắn bó mấy chục năm qua đang bị phá dỡ, bà Tăng Thị Tám gạt nước mắt kể lại:
 
Năm 1995, vợ chồng bà Tám, ông Trọng có mua lại mảnh đất của bác dâu Trần Thị Thục (hay còn gọi là Chuân) với số tiền 10 triệu đồng. Quá trình mua bán này đã được Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân thời điểm đó xác nhận, lập giấy tờ chuyển nhượng.
 
UBND xã Diễn Xuân khi đó đã cử cán bộ địa chính là ông Nguyễn Xuân Nghĩa xuống đo đạc, lập hồ sơ. Tuy nhiên, bà Tám thừa nhận, các giấy tờ mua bán này đã bị làm mất, giấy tờ lưu lại ở UBND xã Diễn Xuân cũng được cán bộ thời kỳ này xác nhận là bị thất lạc.
 
Dù vậy, Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân giai đoạn 1995, cán bộ địa chính xã Nguyễn Xuân Nghĩa cũng như Trưởng, phó thôn thời điểm diễn ra việc mua bán đều xác nhận có việc mua bán đất giữa vợ chồng bà Tăng Thị Tám với bà Trần Thị Thục.
 
Từ năm 1995 đến nay, vợ chồng bà Tám sinh sống ổn định trên mảnh đất đó cùng với 5 người con của mình. Chính sự ổn định đó cũng như tình cảm anh em, xóm giềng khiến bà không nghĩ đến việc, một ngày vợ chồng, các con bị hất ra khỏi chính ngôi nhà của mình.
 
Năm 2012, bà Thục bất ngờ nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Diễn Châu để đòi lại mảnh đất mà đã bán cho vợ chồng người cháu. Ngày 7/11/2012, TAND huyện Diễn Châu đã thụ lý vụ kiện “Tranh chấp đòi tài sản”. Theo nội dung đơn khởi kiện của bà Thục, năm 1995, bà cho vợ chồng bà Tám thuê 189m2 thuộc thửa đất số 649, tờ bản đồ số 4, xóm 10, xã Diễn Xuân. Hai bên không lập hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng, giá thuê đất là 10 triệu đồng, thời hạn 15 năm.
 
Mặc dù kiện đòi lại đất cho thuê, nhưng bà Thục lại không đưa ra được bất kỳ tài liệu nào chứng minh việc cho thuê đất. Thế nhưng, qua 2 cấp xử với 4 phiên tòa diễn ra, từ TAND huyện Diễn Châu đến TAND tỉnh Nghệ An đều tuyên bà Thục thắng kiện, buộc vợ chồng bà Tám và 5 người con phải trả lại mảnh đất cho bà Thục.
 
Bức xúc và bất ngờ trước bản án vô lý, thiếu tình người đó, vợ chồng bà Tám lúc này mới làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi.
 
Chia sẻ với PV, bà Tám buồn rầu nói, vì bà Thục là bác dâu, phận con cháu vợ chồng bà Tám rất tin tưởng. Thế nên, khi mua bán xong và ở ổn định trên mảnh đất đó, bà Tám chưa nghĩ đến việc hoàn tất thủ tục, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Khi tìm về địa phương, làm việc với những người liên quan và người dân tại xóm 10, xã Diễn Xuân chúng tôi nhận được thêm nhiều thông tin. Chia sẻ với PV PNVN, từ lãnh đạo xóm 10 cho đến hàng xóm bà Tám đều xác nhận, có việc chuyển nhượng đất từ bà Thục sang cho vợ chồng Tám Trọng. "10 triệu đồng thời điểm đó mua được một mảnh đất rộng lớn, chả ai điên mà lại dùng tiền đó để đi thuê 15 năm cả.
 
Trước khi bà Thục bán cho bà Tám, có bà Huệ trong làng đến trả giá 9 triệu đồng nhưng bà Thục không bán. Sau đó, bà Thục bán lại cho bà Tám 10 triệu đồng. Cái này ở xóm tôi, ai cũng biết”, một người dân ở xóm 10, xã Diễn Xuân kể lại.
 
Đến những bất hợp lý trong quá trình tố tụng
Quá trình tiếp cận hồ sơ vụ án, lời khai của các nhân chứng cho thấy, các cơ quan tố tụng ở Nghệ An trong vụ việc này đã có nhiều thiếu sót và thiếu công minh, bỏ ra ngoài nhiều chứng cớ, nhân chứng quan trọng.
 
Ở cấp sơ thẩm, HĐXX đã loại bỏ 5 người con của bà Tám ra khỏi vụ việc, dù họ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không xem xét đến lời khai của các nhân chứng là ông Ngô Sỹ Ngọ - Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân giai đoạn 1991 – 2000; ông Nguyễn Xuân Nghĩa – cán bộ địa chính xã Diễn Xuân thời điểm xảy ra việc chuyển nhượng.
 
Thêm nữa, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An xét xử không đúng với yêu cầu khởi kiện ban đầu của nguyên đơn. Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là “Đòi lại đất cho thuê”. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là “Đòi lại đất cho thuê”.
 
Nhưng Tòa án tỉnh Nghệ An khi xét xử phúc thẩm lại giải quyết mối quan hệ pháp luật là “Đòi lại tài sản” là không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không đúng với tinh thần giải quyết của tòa án cấp sơ thẩm.
 
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã gặp gỡ với các nhân chứng sống trong vụ việc khá hy hữu này là ông Ngô Sỹ Ngọ, nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Châu giai đoạn 1991 – 2000 và cán bộ xóm thời gian này.
 
Chia sẻ với PV, ông Ngô Sỹ Ngọ kể lại, vào năm 1995, khi đang ở phòng làm việc của UBND xã Diễn Xuân thì mẹ con bà Thục đèo nhau bằng xe đạp đến gặp ông. Hai người có đưa ra tờ giấy về việc xin chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà Tám. Giấy này có chữ ký của Trưởng thôn là Nguyễn Xuân Hải.
 
Sau đó, ông Ngọ đã thay mặt chính quyền, ký vào tờ đơn này, đồng thời giao cán bộ địa chính Nguyễn Xuân Nghĩa xuống hiện trường, phối hợp với chính quyền xóm và gia đình 2 bên tiến hành đo đạc, cắm mốc, lập hồ sơ.
 
Nói về giấy tờ chuyển nhượng thửa đất trên vì sao hiện nay không còn, ông Ngọ cho biết, thời điểm đó công tác lưu trữ chưa được chuẩn chỉ như bây giờ, nên thừa nhận có việc chính quyền để thất lạc. “Giấy tờ có thể bị thất lạc, nhưng với tư cách là Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân giai đoạn 1991 – 2000, tôi xác nhận có việc bà Thục (Chuân) chuyển nhượng đất cho vợ chồng Tám – Trọng với giá 10 triệu đồng”, cựu Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân nhấn mạnh.
 
Ông Ngọ bày tỏ sự bức xúc khi các cơ quan tố tụng gần như gạt bỏ hết những lời khai của ông về vụ việc này. “Tôi là nhân chứng sống, là Chủ tịch UBND xã thời điểm đó, đại diện cho chính quyền địa phương thời điểm chuyển nhượng, thế mà họ vẫn gạt ra ngoài”, ông Ngọ bức xúc nói.
 
Ông Ngọ cũng khẳng định, thời điểm đó nếu chỉ cho thuê đất thì không ai nhờ đến chính quyền xác nhận và xuống đo đạc hiện trạng cả.
 
Ông Nguyễn Xuân Hải, nguyên Trưởng xóm 10 giai đoạn 1995 – hiện là Bí thư Chi bộ xóm 10, xã Diễn Xuân cũng khẳng định, chính ông đã ký xác nhận vào giấy xin chuyển nhượng đất của bà Thục, để bà bán cho vợ chồng Tám – Trọng.
 
Được biết, hiện gia đình bà Tám đã có đơn cứu xét gửi đi khắp nơi và gửi đơn đề nghị Giám đốc thẩm lên tòa án cấp cao hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn