Hàng loạt hồ điều hòa bị ô nhiễm nghiêm trọng
Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với hệ thống các hồ điều hòa như hồ Vinh Tân, hồ công viên trung tâm, hệ thống hồ quanh hào thành cổ, hồ điều hòa Hưng Lộc... Đây là hệ thống hồ điều hòa có vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, đem lại bầu không khí trong lành, mát mẻ cho người dân thành phố. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có một thực trạng chung ở các hồ điều hòa là đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ thống nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra các hồ điều hòa.
Hồ điều hòa Vinh Tân rộng hàng ngàn m2 nằm lọt giữa khu đô thị Hadico Vinh Tân. Đây được xem là "lá phổi xanh", "túi chứa" góp phần điều tiết mưa lũ, thoát nước, khí hậu cho các phường như Vinh Tân, Trường Thi, Trung Đô... của TP Vinh.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, người dân sống xung quanh phản ánh nước hồ đổi màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc, đứng xa hàng trăm mét vẫn cảm nhận được. Có mặt tại một cống thoát nước xả xuống hồ điều hòa nằm trên đường Nguyễn Sơn, PV ghi nhận từng dòng nước thải đặc quánh, bốc mùi khó chịu liên tục chảy xuống hồ. Đi một vòng quanh hồ, nước hồ đã bị ô nhiễm, chuyển màu đen đục.
Theo quan sát của PV, nước trong hồ điều hòa tù đọng, sánh đặc, có mầu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhất là vào những ngày thay đổi thời tiết. Tình trạng mùi hôi thối, nước đục đen trở thành nỗi khiếp đảm cho những người dân sống cạnh hồ điều hòa và những người dân đi qua nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Vân – một người dân sinh sống ở phường Vinh Tân (TP.Vinh – Nghệ An), cho biết: "Hồ Vinh Tân trước đây không ô nhiễm, là nơi để người dân chúng tôi đi thể dục và cũng là nơi những người lớn tuổi thư giãn, hàn huyên câu chuyện tuổi già. Nhưng hiện nay, hồ bị ô nhiễm, mùi hôi thối không chịu được. Người dân chúng tôi rất lo ngại, bởi sống cạnh mặt hồ có mùi hôi thối, trẻ con và người già sẽ không đảm bảo được sức khỏe, thậm chí sinh ra nhiều bệnh tật do ô nhiễm".
Mặc dù cộng đồng dân cư sống trong khu đô thị đã viết đơn kêu cứu nhiều lần lên chủ đầu tư và nhiều cơ quan chức năng như UBND thành phố Vinh, Sở Tài nguyên Môi trường... thế nhưng, thực tế đến nay thực trạng này vẫn diễn ra và chưa hề được khắc phục.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi về thực trạng ô nhiễm tại hồ điều hòa Vinh Tân đang diễn ra, ông Lê Minh Tuấn – cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường thành phố Vinh cho biết: Việc ô nhiễm ở hồ điều hòa Vinh Tân cũng như hồ điều hòa Trung tâm, hồ điều hòa Hưng Lộc chúng tôi đã biết. Nguyên nhân là do hệ thống nước thải chảy trực tiếp ra hồ. Về vấn đề này, chúng tôi đã gọi điện cho bên công ty hạ tầng đô thị cũng như phòng đô thị để cùng tìm ra giải pháp. Nhưng hiện nay thì vẫn đang phải chấp nhận thực trạng ô nhiễm.
Còn ông Trần Văn Cẩm – Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh lại cho rằng: Ở hồ điều hòa công viên trung tâm thực tế có nước thải sinh hoạt đổ ra hồ. Lý do vì giếng tách ở đây hơn 20 năm rồi chưa được nạo vét, nên nước thải nhiều quá sẽ tràn ra hồ. Khu vực hào thành cổ cũng có một số điểm do thiết kế công trình đổ nước thải trực tiếp ra. Việc này chúng tôi đang nghiên cứu khắc phục, nhưng rất khó vì nó liên quan đến thiết kế của công trình. Còn hồ Vinh Tân thì nước thải không chảy ra hồ, ở phía cuối đường Nguyễn Sơn có giếng tách, chỉ do nó là hồ nước đọng không có nước vào nước ra nên ô nhiễm. Hồ này nằm trong khu đô thị Hadico nên chúng tôi không quản lý!.
Tuy nhiên, khi PV có mặt tại giếng tách cuối đường Nguyễn Sơn và chứng kiến nước thải sinh hoạt vẫn chảy ồ ạt vào hồ Vinh Tân, gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Trao đổi về vấn đề này, ông Cẩm lý giải lúc đó do mất điện?.
Trên thực tế, tình trạng xả nước thải sinh hoạt ra trực tiếp hồ Vinh Tân diễn ra thường xuyên chứ không phải chỉ trong thời điểm "mất điện" như lời giải thích của vị Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh.
Thêm nữa, tại vị trí giếng tách của hồ Vinh Tân, nơi được coi là cửa ngõ của hệ thống thoát nước thải của mương số 2, mương số 1 và mương Hồng Bàng, để từ đây nước thải về trạm bơm Trung Đô, sau đó về Nhà máy xử lý tại Hưng Hòa, thì các tấm nắp đậy đều đã rỉ sét và hư hỏng, vô tình trở thành những cái bẫy chết người, nguy hiểm cho người dân khi đi bộ qua đây, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người già.
Theo thông tin chúng tôi được biết, năm 2020, ngân sách Nhà nước đã trích khoảng gần 4 tỷ đồng cho công tác nạo vét kênh mương và khoảng 11 tỷ đồng cho công tác thu gom, xử lý nước thải. Tuy nhiên, ngân sách cho việc nạo vét eo hẹp là nguyên nhân chính trong công tác khó khăn của đơn vị Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, như lời ông Cẩm chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn