Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn quán triệt và thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 79-CV/TW ngày 29/012020 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 393/CĐ-BVHTTDL ngày 3/01/2020 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra.
Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc; đối với các lễ hội đã tổ chức khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, giảm các hoạt động trong lễ hội; Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người tham gia, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích.
Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Sở Thông tin & Truyền thông Nghệ An chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một số lễ hội nổi tiếng ở Nghệ An như: Lễ hội Đền Cuông - đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ, xã Diễn An, huyện Diễn Châu được tổ chức vào ngày 14/2 âm lịch hàng năm; Lễ hội đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng Giêng; Lễ hội Vua Mai được tổ chức ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn; Lễ hội Đền Quả Sơn, huyện Đô Lương được tổ chức vào 18 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội hang Bua ở huyện Quỳ Châu...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn